mấy dòng về Năm Tháng Rực Rỡ (phim, 2018)
Mình không cố ý so sánh Tháng Năm Rực Rỡ (Việt Nam, 2018) với nguyên gốc Sunny (Hàn Quốc, 2011) đình đám. Bài viết tiếp cận một số điểm lấn cấn, bất hợp lý lộ liễu làm gãy cảm xúc người xem. Đồng thời, dựa vào Sunny đã thành công làm một số nền tảng. Cuối cùng, mong mỏi nền điện ảnh Việt sẽ có thêm nhiều tác phẩm chỉnh chu và sâu sắc hơn nữa.
Đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng
Diễn viên:
- Hoàng Yến Chibi / Hồng Ánh – Hiểu Phương
- Hoàng Oanh / Thanh Hằng – Hoàng Mỹ Dung
- Khổng Tú Quỳnh / Mỹ Uyên – Bảo Châu
- Trịnh Thảo / Mỹ Duyên – Thuỳ Linh
- Minh Thảo / Minh Tuyền – Lan Chi
- Jun Vũ / Anh Thư – Tuyết Anh
Doanh thu: Sau 10 ngày công chiếu và sneakshow, phim đã cán mốc 1 triệu lượt xem với số tiền thu về khoảng 65 tỷ.
Tháng Năm Rực Rỡ (TNRR) hẳn là bộ phim Việt đáng xem nhất trong thời điểm này. Nhưng một phim remake với bản gốc quá thành công là Sunny (Hàn Quốc), TNRR không khỏi bị đem ra mổ xẻ so sánh và lắp kính lúp soi sạn. Riêng về diễn biến và tâm lí nhân vật, một số chi tiết nhỏ xíu thôi nhưng thấy bản Việt đẩy chưa tới lắm, khiến người xem đang cảm thì đứt.
#1 Dung đại ca
Khi nói với Hiểu Phương về bệnh tình và thời gian còn lại của mình, Dung đại ca đã ươn ướt mắt, giọng run lên (nhân vật bắt đầu xúc động, vì nuối tiếc cuộc sống) rồi tiếp tục thổ lộ ước nguyện cuối cùng của mình: gặp lại nhóm Ngựa Hoang (xúc động thêm chút xíu, vì nuối tiếc nhóm bạn cũ). Ở phân cảnh này, sự xúc động tăng dần nhưng hướng về hai vấn đề khác nhau (tuy có liên kết với nhau) khiến câu chốt hạ “gặp lại nhóm Ngựa Hoang” quan trọng nhất xuyên suốt bộ phim không được đẩy cao nhất có thể. Chi tiết đó cũng khắc hoạ tính cách nhân vật mạnh mẽ, nghĩa khí, trách nhiệm và chăm lo cho từng thành viên.
Trong khi ở bản Hàn, Dung đại ca rất hay và rõ ở tính cách: bất cần và ngạo nghễ giữa cuộc đời. Cùng một phân cảnh trên, Dung đại ca (bản Hàn) nói về bệnh tình của mình nửa đùa nửa thật, kiểu chẳng mấy quan tâm vậy mà lại nói về mong muốn duy nhất gặp lại nhóm Sunny, người phụ nữ ngạo nghễ ấy mới để mắt ướt môi run. À, cô gái không sợ trời không sợ đất cầm đầu một nhóm nữ quái ngày nào hoá ra chưa từng biến mất sau 20 năm. Cô gái ấy bây giờ còn không sợ cả cái chết, nhưng lại sợ không gặp được những người bạn thanh xuân của mình trước khi nhắm mắt xuôi tay. Chi tiết đó rất hay, là khi mấy cảnh đập vỡ chai ra oai hay đánh đấm hổ báo nhường bớt để khắc hoạ Tuyết Anh nổi loạn ngầm thì khí khái đại ca dữ dằn của Mỹ Dung vẫn khá rõ rệt.
Có lẽ tính cách đó quá tuyệt vời để nhận diện Mỹ Dung bản Hàn mà Mỹ Dung TNRR không có (hoặc không rõ) nên ở cảnh khác, Lan Chi nhận xét Mỹ Dung: sao bất cần đời vậy. Nghe sáo rỗng nhạt toẹt hơn bao giờ hết.
#2 Đại minh tinh Bảo Châu
Từ một cô gái điệu đà, gia cảnh khá giả, ôm mộng minh tinh sa đà đến ả tiếp viên tàn tạ tủi nhục, thừa thãi trong một quán đèn mờ. Không biết Sài Gòn có cái quán đèn mờ lộ liễu mà kết cấu phòng đơn vậy không, nhưng bia ôm, cà phê ôm, massage hay karaoke thanh nữ hẳn phổ biến hơn, Việt Nam hơn. Chi tiết trên, cùng với phim lướt qua khá nhanh của Bảo Châu U40 càng khẳng định TNRR xây dựng nhân vật nhiều thăng trầm nhất mạch phim, một cách quá đơn giản đến sơ sài.
Lúc bé, Bảo Châu đẹp, điệu, chảnh, tự tin trên trời, phát ngôn mấy câu thiệt chất. Tuy nhiên, sau 20 năm, cuộc đời sa cơ đến chóng mặt, từ một công chúa cao quý tuột xuống tầng lớp dưới đáy xã hội, bán thân nuôi miệng, không thể nghĩ mấy đến ngày mai, đến tương lai. Bảo Châu U40 đó không hề sương gió mà hiền dịu như cục đất, ở quán đèn mờ, trơ mặt ra ngồi trước cửa đợi khách, chủ quán đuổi chủ quán la lối xỉ nhục, người phụ nữ có năn nỉ, có lời vào lời ra nhưng không mấy thảo mai sành sỏi thường thấy ở gái làng chơi. Cái vẻ trơ trơ đó có thể diễn giải bằng sự cam chịu rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam, như hình ảnh Mị vô cảm trơ mắt ra nhìn cuộc đời mình tuyệt vọng trôi trước cửa nhà thống lí Bá Tra, mất hết tủi nhục, mất hết lí trí, mất hết phản kháng. Nhưng lại ngược ngạo trong phân cảnh tiếp theo, Bảo Châu khoác lên người bộ đồ trắng tươm sang chảnh rất đẹp đến thăm Dung đại ca, cùng với dáng điệu và giọng điệu dịu dàng và chuẩn mực như một bậc phu nhân quyền quý. Lúc này thấy sai sai nè, qua bao nhiêu thăng trầm, Bảo Châu U40 cảnh 1 (quán đèn mờ) không mấy tủi nhục, tuyệt vọng đến cao độ gục ngã trước số phận thì ở đâu Bảo Châu U40 cảnh 2 (bệnh viện) tràn đầy năng lượng tích cực đi khuyên giải an ủi Mỹ Dung. Nếu để mô tả cái sĩ diện thường trực của người Việt, bản chất mình ra sao không quan trọng bằng sự sung túc hài lòng người ta thể hiện ngoài mặt, thì chắc là mình không mấy cảm được từ cái diễn của diễn viên.
Số phận nhân vật này trong bản Hàn được xử lí theo mối liên kết chặt chẽ: nợ gia đình – ngày xuân sắc cần công việc lương cao, làm tiếp viên – tủi nhục, nghiện ngập để có thể sống tiếp – có con, có hi vọng sống, không thể gặp con vì nghiện, trăn trở giữa hai yếu tố duy trì cuộc sống – tuổi già, công việc tiếp viên không còn lương cao nhưng không muốn đổi nghề, vì nghiện và tủi nhục – dày dạn sương gió, điên dại khi gặp lại bạn cũ, ngần ngại vì tủi nhục – khoản trợ giúp của Dung đại ca thực sự có tác động đến vật chất và tinh thần – kết thúc cảm động, nước mắt chân thành. Nhất quán, đáng thương, là người cần giúp đỡ nhất trong nhóm, là trường hợp thể hiện vai trò trưởng nhóm rõ nhất của Mỹ Dung: chăm lo cho từng thành viên. Đang tiếc TNRR gãy đoạn kì quá ._.
#3 Tuyết Anh nổi loạn
Sau khi phim kết lại, mọi người nhận xét điểm sáng của phim là cô gái ngồi bên cửa sổ của Jun Vũ, vẻ đẹp thanh tú và thần thái sắc như đá. Tuyết Anh xuyên suốt phim đều rất cool ngầu, chẳng mấy lời nhưng tính cách thể hiện tuyệt vời qua hành động: cô đơn, trầm mặc và bất cần. Bên cạnh Tuyết Anh lặng lẽ vô hồn và lạnh lùng như một tảng băng, vẫn là cô gái nhiều tình cảm và nghĩa hiệp không ngừng ngại giải vây giúp bạn, Hiểu Phương những lúc lâm nguy. Hình ảnh phì phèo khói thuốc, hình ảnh đập vỡ chai thuỷ tinh, hình ảnh mặt không biến sắc dí cây lửa đe doạ đốt nát mặt khiến kẻ thù khóc lóc van xin đều đẹp không chịu được. Nhưng chi tiết cuối cùng, cũng là quan trọng nhất của nhân vật Tuyết Anh lại trôi tuột đi khá đáng tiếc. Khi bị kẻ thù dùng mảnh chai vỡ để lại một vết dài trên mặt, hiệu ứng chạy từ vết mờ sang vết máu, máu chưa kịp rơi, cô gái nhanh chóng hét toáng lên đau đớn (vì quá nhanh nên không thấy đau đớn lắm).
Trong một diễn biến khác, bản Hàn đã thể hiện sâu hơn hẳn, nhân vật Tuyết Anh bị để lại một vết máu trên mặt, thế giới đột nhiên ngưng đọng, cảnh vật mờ đi, âm thanh tắt ngúm, máu từ từ túa ra, rơi xuống, chạm khẽ vào tay nhân vật chìa ra đỡ lấy. À, máu rơi từ mặt mình thực này, vậy ra nỗi đau đang hiện diện trên mặt không phải nỗi tinh thần bình thường của mình mà đang đay nghiến trên thể xác của mình, là thực rồi, không phải đùa. Cái câu đó nhân vật không cần nói, người xem tự cảm được. Rồi nhân vật hét toáng lên, thống thiết xé tan bầu không khí chết lặng nãy giờ. Cũng là lúc người xem thích thú khám phá ra những gam màu khác của cô gái luôn tỏ vẻ bất cần và cười nhạo cuộc đời, hoá ra cũng chỉ là cô gái nhỏ bé, thích xinh đẹp và cần bảo vệ biết bao.
#4 Ca khúc anh trai mưa của Hiểu Phương
Ca khúc mỗi khi anh trai mưa Đông Hồ xuất hiện là một chi tiết cực dễ thương luôn, khi nhân vật đứng hình chết lặng không nói được một lời thì ca khúc vang lên như nói hộ trong lòng vừa có một mùa xuân bất chợt bừng nở rạng rỡ. Bản Việt không hề kém cạnh bản Hàn. Chỉ có một điều là đối với những người đã xem qua bản Hàn, như mình, thì không có một bài hát nào có thể nói hộ tiếng lòng bằng Reality. Mình vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc thời gian ngưng đọng, khoé mắt nhân vật cong lên và bài hát bật ra, mạnh mẽ, tha thiết, trầm ấm và mơ hồ như một giấc mơ ngang qua.
“Dreams are my reality
The only kind of real fantasy
Illusions are a common thing
I try to live in dreams…”
(Richard Sanderson, 1980 và phân cảnh trong Sunny, 2011)
KẾT BÀI
Mấy cái ở trên nhỏ thôi nhưng mình lỡ để ý quá nhiều rồi. Nhưng hơn hết, bộ phim đã mang đến thời gian tuyệt vời để cùng đám người của cái hồi thanh xuân đẹp đẽ, ngồi lại, nhìn kĩ mặt nhau và trân trọng nhau hơn. Kết lại với hàng lệ loè nhoè trên khoé mắt trên nền nhạc đầy xúc động Rực Rỡ Năm Tháng, giọng chị Mỹ Tâm và sáng tác chú Đức Trí. Có nghe nói bài hát đã cứu cả bộ phim, công nhận.
- Rực Rỡ Tháng Năm, nghe tuổi trẻ thoảng qua, nghe cùng xúc động.
Tiện thể, nhân danh Tháng Năm Rực Rỡ, bạn bè đang khó khăn túng thiếu có thể chia sẻ chân thành thiệt lòng để vay tiền dễ dàng hơn.