🍓 sống

“Nếu không phải lúc này thì em còn cần lúc nào nữa?”

“Chúng ta trưởng thành trong mối quan hệ với người khác”

— một câu khi bắt đầu và kết thúc cuốn sách Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý của nhà tâm lý Lori Gottlieb, cùng những trang sách đã đồng hành và “chữa lành” mình rất nhiều.

Và dòng reflect những mối tương quan của mình, vừa hiện sinh, vừa self-compassion, vừa mò mẫm đi tiếp đoạn đời tiếp theo (một mình hoặc cùng một vài người).

Trong đó, Hưn is vulnerable, it’s okey to be not okey! 💛


“Nếu không phải lúc này thì em còn cần lúc nào nữa?”

Trong phiên tham vấn tháng 10, mình bộc bạch sự đổ sụp của mình, rằng mình thực sự cần một người bên cạnh lúc này, một người chỉ dẫn cho biết mình cần làm gì tiếp theo, và đảm bảo rằng mình vẫn ổn (thực sự mình chẳng biết làm gì tiếp theo cả!).

Chị chuyên viên tâm lý đã nói với mình như thế này: “Một mong muốn hoàn toàn chính đáng. Bất cứ ai trong tình cảnh của em đều sẽ mông lung cùng cực, cần một ai đó ở bên ủng hộ và nâng đỡ. Trải qua cuộc phẫu thuật lớn, mất đi công việc, bước ra khỏi mối quan hệ thân thiết, dừng lại những sở thích từng thể hiện cá tính của mình… Nếu không phải lúc này thì em còn cần lúc nào nữa?

Mình nhớ không gian phòng tham vấn khi ấy như trải dài ra vô tận.

Trong sự dừng lại, im bặt, suy tư rất lâu, rất lâu của mình.

“Àaaa, kể cả trong tình cảnh ngặt nghèo nhất, mình vẫn không cho phép bản thân mình… bất ổn!” — ý nghĩ bật lên trong đầu mình.

Kể cả khi mình nói lên “mong muốn vô cùng chính đáng”, mình vẫn dè dặt và e ngại như thể điều đó hoàn toàn không tương xứng với hoàn cảnh. Mình không xứng đáng có được.

Vì sao thế nhỉ?

Trong thời gian tỉnh lại và hồi phục sau cuộc phẫu thuật, vết cắt đang cào xé bụng dưới từng giây phút, cả cơ thể đau nhói như chẳng thể làm gì thêm ngoài nằm một chỗ, thỉnh thoảng lê từng bước chân nặng nhọc, và đau đớn. Chuyện gì đã xảy ra? — Mình trở về thực tại.

Thực tại, có một ông Ba vừa tháng trước đổ một đống nợ yêu cầu hai đứa con gái trả thay, không một thái độ hối lỗi và chịu trách nhiệm cho việc mình làm; nay xuất hiện ở bệnh viện thăm mình, rêu rao bệnh tình của mình trên mạng xã hội, đưa cho mình một cái khẩu trang ôi thối mùi cớt mèo, thản nhiên nằm lên giường bệnh của mình với tấm thân đầy lông mèo, cớt mèo mà không mảy may nghĩ tới vết mổ có thể nhiễm trùng của mình. Một ngày sau, mình nhắn tin van xin ổng đừng gặp mình nữa, bác sĩ bảo hít nhiều khói thuốc là nguy cơ dẫn đến căn bệnh này, thay vì thấu hiểu, người là Ba mình đã quay lại chất vấn do lối sống & ăn uống khiến mình bệnh. Chẳng khác nào ý là lỗi mình, tất cả là do mình tự chuốc lấy. Người mà, hiện nay vẫn thản nhiên hút thuốc trong nhà, vừa nói chuyện với mình vừa quơ quào điếu thuốc bên tay.

Thực tại, có một người thương từng rất thân thiết, chia sẻ câu chuyện mỗi ngày, buồn vui cùng nhau, nay trở nên xa cách đến không thể chạm tới được. Trong nỗi bất an cùng cực, mình quơ quào níu giữ, gửi đi những dòng tin nhắn vô vọng về cái đau, cái bệnh nghiêm trọng của mình, mong được chú ý, quan tâm, lại được ôm lấy vỗ về và thương thiệt nhiều. Mình nhận được, sự thất vọng hiển nhiên, phản ứng hiển nhiên từ người từ lâu đã không còn quan tâm mình nữa, một bản thân đáng thương đã rất rất rất đau lòng, như thể chẳng còn gì cả. Cuối cùng là trạng thái im bặt vô tận. Cuối cùng là, vẫn là một mình mình như đang chìm sâu trong đại dương đen (một mô tả không thể rõ ràng của bác Đặng Hoàng Giang).

Thực tại, mình không chỉ có một mình — ở một thực tại khác, mình trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Cúa chăm sóc chu đáo từng đường chân kẽ tóc sau khi mình vừa viện về nhà, nhưng vẫn than phiền đong đỏng về việc phải chuẩn bị từng bữa ăn mỗi ngày cho mình. Má nói với mình đừng lo nghĩ gì hết, chỉ cần tập trung hồi phục tốt thôi nhưng lỡ miệng nói ra: “Đừng có thêm chuyện gì nữa, Má không thể nghỉ làm thêm để chăm con đâu!” hay là, sự kề bên hiện diện của Má chưa bao giờ bao gồm việc thấu hiểu mình là ai, mong muốn làm được gì trong cuộc đời, kể cả khi bệnh nặng và có một cơ thể đầy hạn chế này. Như là mình là một gánh nặng to lớn, hoặc là, ngoan ngoãn sống theo cách mọi người muốn đi, không ai đủ quan tâm con muốn gì cả.

Thực tại, mình đã bao giờ cảm thấy an toàn chưa nhỉ?

“Chỉ có những người được bảo vệ mới được mặc sức gào thét, làm càn, náo loạn thôi… người phải dựa vào bản thân như mình, cho dù ồn ào đến kiệt sức, ai sẽ lắng nghe, ai sẽ đảm bảo rồi mọi chuyện sẽ ổn?” — nhận thức, niềm tin của mình.


Vậy ra, đó cũng là những gấp gáp, thôi thúc, vội vã của mình trong khoảng thời gian hồi phục. Vẫn biết cần nghỉ ngơi ổn thoả, nhưng vài đêm mình vẫn tức tưởi bật dậy với ý nghĩ đau đáu, “Làm sao để ổn lại sớm nhất đi Hưn!”. Không muốn làm gánh nặng, không muốn tự thấy đáng thương, không muốn nhạt nhẽo dậm chân tại chỗ. Một vòng lặp loay hoay, làm này làm kia, tìm cái này đuổi cái kia, thử rồi lại sai rồi thử lại (đôi lúc mình cũng chẳng biết năng lượng hùng hục đâu ra để mình làm hết cái bùi nhùi đó, nhưng thoáng chốc đã đi qua vài ba tháng rồi luôn).

Trong dáng vẻ hùng hục ấy, không phải để ổn lại và mà “trông có vẻ ổn!” — Boom! Tỉnh giấc lại thêm nhiều lần nữa đi Hưn.

Mình không ổn, thì đã sao nhỉ?

“Ở lại với bản thân trong cơn trigger, biết đâu học được gì mới” – Đạt.


Cuộc chiến nội tâm là hành trình đơn độc, mình đi một mình.

Nhưng bằng cách thể hiện bản thân vulnerable trên mạng, mình muốn bản thân được “sáng rõ”, không phải lúc nào cũng hoàn hảo cũng vượt qua được mọi thứ nhặng xị trên đời, đau ốm tổn thương đau lòng xiêu vẹo gục ngã, cũng chỉ là mình thôi.