#FIRE Quản lý tài chính cá nhân trong một chiếc dashboard Google Sheet
#FIRE hay Financial independence, Retire early là chuỗi bài viết mình viết về hành trình theo đuổi tự do tài chính và lối sống đơn giản ở Saigon.
Hello, đây là cách mình nhìn “toàn cảnh” tài chính cá nhân: một chiếc dashboard.
Inspiration: Phim My Secret Cache (1997, link)
Mình vô tình lướt qua đoạn review 5 phút phim My Secret Cache (1997) từ Nhật Bản và thổi bùng thêm hành trình Financial Freedom (Tự do tài chính) của mình. Bộ phim kể về một cô gái mê tiền, từ lúc nhỏ xíu đến khi trưởng thành, mọi quyết định của cô đều được tiền làm kim chỉ nam, đến thực vô lý. Để tìm lại túi tiền khổng lồ thất lạc trong rừng sâu, cô sẵn sàng bỏ việc, học lại đại học, trở thành quán quân bơi lội, thắng giải leo núi, tinh thông địa chất hơn bất cứ ai và không bao giờ bỏ cuộc. Sau tất cả, tiền tài không còn là mục tiêu cuộc đời cô nữa, mà là đam mê thứ thiệt.
Nhìn lại bản thân, mình bắt đầu với mục tiêu xa xôi gom tiền đi khám phá thế giới, nhưng trên mỗi chặng đường bò tới (vẫn chưa tới) thì xuất hiện nhiều thử thách, lĩnh vực, bài học mới lạ: từ những chuyến đi nhỏ trong nước đến một mình rong ruổi nhiều ngày ở nước ngoài, tò te leo núi chạy bộ để luôn khoẻ, học nấu ăn để tiết kiệm chi phí, từ vô tư đi làm văn phòng 8 tiếng một ngày đến làm thêm bum ba việc, đa dạng nguồn thu, học chụp ảnh, học đầu tư, tập kinh doanh và quan trọng nhất, học quản lý bản thân… Cứ thế, thế giới rộng lớn mở ra. Mình cũng đi rất nhiều đường vòng, sai sót và ngớ ngẩn xếp thành chồng. Nhưng quả thực, không thể phủ nhận mình đã cố gắng rất nhiều, cố gắng kiếm nhiều tiền hơn và cố gắng không chết trong sự thất vọng.
Điều đó thể hiện trong những biểu đồ nhấp nhô vui mắt trên này:
- Tạo ra nhiều nguồn thu trong thời gian dài, nhưng lại bỏ bê nguồn thu nhập chính = chuyên môn cốt lõi, vội vã “quay xe”
- Có những tháng làm nhiêu bung hết, để lý giải cho cảm giác bất an và tự ti sâu thẳm, stress dằng dặc
- Nợ nần chồng chất, méo hiểu kiểu gì tháng nào cũng làm bục mặt chỉ để trả nợ, hoá ra ở hành vi sử dụng credit card
- …
Có vẻ, ai cũng cần một cái dashboard như thế để hài lòng “nhìn lại mình” ✌️
Key metrics: Các chỉ số biết nói
Bảng Personal Finance (Tài chính cá nhân) của mình chỉ có các chỉ số sau:
- Balance = số dư thực, nghĩa là tổng số tiền mình có. Mình chia thành 3 mục lớn, phục vụ cho 3 mục đích khác nhau trong cuộc sống dông dài này (mình áp dụng theo podcast series Tự do tài chính của anh Nguyễn Ngọc Hiếu)
- Emergency Fund: số tiền đủ để mình chi tiêu trong 12-24 tháng mà không cần đi làm, đề phòng trường hợp xui xẻo héo việc, không thể lao động kiếm sống thì cuộc sống mình vẫn không bị đảo lộn. Ngày thường sẽ không bao giờ đụng đến.
- Rainy Day Fund: số tiền để phòng hờ những việc đột xuất hoặc không đụng đến thì cuối năm có thể đem ra shopping thoả thích hoặc upgrade một thứ tiện ích nào đó, ví dụ như mua thêm chiếc iPad và Apple pen để học digital art.
- Investment: số tiền đem đi tích luỹ tích nhỏ thành đại, đầu tư sinh lời, gửi gắm ở các kênh tiết kiệm ngân hàng, vàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, crypto, bất động sản, kinh doanh,… tuỳ khẩu vị và độ lớn của vốn từng cá nhân. Phần này cực quan trọng.
- Income = thu nhập hàng tháng, chia theo theo nguồn nếu có nhiều hơn một nguồn thu nhập. Phần này mình sẽ đánh giá được chất lượng công việc và kĩ năng chuyên môn của bản thân phản ánh qua sự tăng trưởng thu nhập:
- Công việc nào tạo ra thu nhập nhất thời, công việc nào là thu nhập bền vững?
- Công việc nào sẽ giúp mình tăng được thu nhập hiệu quả nhất?
- Nếu thu nhập ở một công việc giữ nguyên ngày này qua tháng nọ, mình sẽ tự hỏi đã phát triển kĩ năng tốt, mang lại hiệu quả công việc xứng đáng chưa; nếu tự tin mình đã tốt rồi, thì mình cần đổi việc.
- Investment = những khoản đầu tư, chia thành danh mục đầu tư. Cá nhân mình thích nhàn nhã an toàn, nhưng chóng chán nếu quá chậm rãi, nên mình có một danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên: Ăn chắc mặc bền → Cân bằng → Liều ăn nhiều. Cũng như cấu trúc của Balance, hủ nào đầy thì yên tâm rót tiếp hủ tiếp theo… và theo dõi chúng nó tăng trưởng, hoặc thua lỗ =))
- Retirement = lộ trình tiến đến cột mốc Hưu trí của mình. Đúng hơn thì đây là mốc Financial Freedom của mình, không còn lo nghĩ về cơm áo gạo tiền và vô tư sống lang bạt ở các nước khác trên thế giới, một cách tuỳ hứng nhất. Biểu đồ thể hiện lượt nhích dần đến Goal (Mục tiêu) để tạo động lực.
- Expense = tôy đã tiêu dùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt một cách tuỳ ý như thế nào? Hơn hết, mình muốn nhìn xem tổng chi hàng tháng của mình so với Income như thế nào, đã hợp lý chưa, mình đang “có vấn đề gì không?”. Có những tháng tiêu sạch từng đồng cắc mình có, rốt cuộc là mình đã phải trải qua chuyện gì, làm sao có thể tiêu hết ngần ấy tiền nhỉ haha =))
- Debt = những khoản nợ nần, thuộc bảng số liệu của Expense, xem thử trong số tiền tiêu hàng tháng có bao nhiêu % là dùng để trả nợ. Nghĩ lại thì, mình đã “tay không làm nên một đống nợ” đó như thế nào nhỉ?
- Timeframe: theo tháng
Tools: Google Sheet
Việc quản lý trên vừa vặn gói gọn trong một file Google Sheet.
? Đây là Template: Personal Finance có thể duplicate và sử dụng.
Đầu mỗi tháng, mình sẽ update theo các bước:
- Take note
- Visualize data
- Define fault
- Set goal
Funny story: A day for Google data studio, hoá ra không cần thiết
Là một Data Analyst newbie learner, mình háo hức data cleaning rồi ném lên Google data studio tơ tưởng đến những bảng biểu chuyên nghiệp và hi-tech.
Đúng là Google data studio làm report rất tốt, nhưng không hề tiện lợi cho chiếc data bé nhỏ single source của mình trong khi Google Sheet có thể đáp ứng hết mọi yêu cầu về basic data visualization.
Mình cũng gặp một số lỗi với Google data studio:
- Lỗi kết nối file (data gốc) liên tục vì mình chỉnh sửa ngàn tám trăm bận trên Sheet
- Giao diện trường dữ liệu phức tạp hơn nhiều, vọc hoài quên hoài
- Khả năng tuỳ chỉnh cao gây phiền cho chứng rối loạn lựa chọn của mình
Nên đi một đường vòng lớn, mình quay về happy ending với Google Sheet, cũng là bài học đơn giản hoá cuộc sống và nếp nghĩ haha.
Lời cuối: Nếu đột nhiên có biến cố xảy ra, mình sẽ không chết đói chứ?
Không hẳn. Mình có thể ăn ít lại.
Vội vã vớ đại một công việc nào-đó để kiếm sống, cũng không.
Pha một tách cà phê, đọc trọn một cuốn tiểu thuyết bù cho những ngày quần quật rồi từ tốn suy nghĩ xem sóng bắt đầu từ gió, gió bắt đầu từ đâu…
À, biến cố và rủi ro thì liên quan đến Bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, xin mời một bài viết khác.