on the slide, 🌦️ phượt

Đi qua ngàn mặt trời rực rỡ, Ấn Độ 🇮🇳

18 - 25/03/2023

Những hình ảnh xinh đẹp xuất thần được chụp và edit miệt mài bởi Hẹo ️🎈

Ngàn mặt trời rực rỡ (2007, Khaled Hosseini) – tiểu thuyết về số phận phụ nữ rực rỡ ở Afghanistan nhưng bị mình “lôi kéo” vào mấy ngày rong ruổi ở Ấn Độ.

Những “mặt trời rực rỡ” tinh tươm vươn lên lần lượt từ di sản kiến trúc lịch sử – văn hóa sừng sững trăm năm trước đến chiếc hoàng hôn ưng ửng nhuốm màu cát lả lơi đổ xuống sa mạc hoang hoải đến vô tận… mà Hẹo nằng nặc bắt nguyên team thức khuya dậy sớm ngắm lấy ngắm để.

Những “mặt trời rực rỡ” chiếu rọi pallete màu nổi bần bật ngang dọc từng thành phố mình đi qua, thành phố hồng Jaipur, thành phố cát vàng Jaisalmer, muôn sắc nóng bỏng ở đường phố Delhi hay thứ ánh sáng lấp lánh phản chiếu trên Taj Mahal trong trẻo màu cẩm thạch.

Những “mặt trời rực rỡ” sáng bừng trên gương mặt mỗi người dân xứ Ấn, chân thành và thích lo chuyện bao đồng một cách dễ thương; rực rỡ trong lễ hội thánh thần và trọn vẹn đức tin như tái hiện sinh động câu cảm thán “Ôi thần linh ơi!” trong bộ phim truyền kì Cô dâu 8 tuổi.

Hẳn “mặt trời” vẫn tiếp tục rực rỡ trên dòng sông Hằng linh thiêng vùng Varanasi, trong không gian thiền tịnh phẳng lặng của “tiểu Tây Tạng” Ladakh, đằm mình vào khu nghèo mạt như “Triệu phú khu ổ chuột” ở Mumbai hay hàng nhiều thành phố khác lạ ở phía Nam… đang chờ mình trở lại.

5 trải nghiệm “xuất thần” trong chuyến đi:

Trước cổng Albert Hall Museum, Jaipur

Chuyến đi của các nhân vật Hưn, Hoàng, chị Thuỳ, Hảo, Dương, Hẹo và sự đồng hành toẹt vời của Bucketravel – Cái Xô Trải Nghiệm. Hầu hết hình ảnh xinh đẹp trong bài đều được tài trợ bởi Hẹo và Chuyện Người Lữ Hành, xin gửi lời củm ơn chân thành sâu sắc.

  • Chạy tàu lửa, 15p nữa tàu chạy dòng người đông đúc túa ra, ngủ đêm trên chuyến tàu thum thủm lắc lư xồng xộc, chiếc Thali “cơm hộp” ngon lành lạ thường.
  • Camel Safari, cưỡi lạc đà 1 tiếng qua bụi khô vào trong sa mạc, uống bia tâm sự trên đồi cát, ngắm đêm đầy sao, ngủ lộ thiên, mặt trời có màu của sa mạc và “mèo lấy cát lấp cít”
  • “Ngàn mặt trời rực rỡ” với những buổi sớm tinh mơ ngắm mặt trời mọc và những buổi chiều hoang hoải khi mặt trời lặn; những ngày ở Ấn cả mặt trời mọc và mặt trời lặn trời đều rất sáng, có lẽ vì vậy mà… mình đã không quá buồn.
  • Tưng bừng lễ hội, 3 ngày 3 lễ hội. Sự nhiệt thành, thờ phụng và trọn vẹn với đức tin là vô giá.
  • Ngược dòng lịch sử với những kì quan kiến trúc điêu khắc bằng đá, qua 4 thành phố Delhi – Agra – Jaipur – Jaisalmer và 3 vương triều Mughal, Jaipur, Jaisalmer
  • ✨Bonus: Sữa giải khát rắc muối Masala khi vừa đặt chân đến Jaipur (thề hem đời nào quên được!!)

India in a nutshell

Chụp cùng các bác gác cổng City Palace, Jaipur
  • Là một tiểu lục địa Ấn Độ (hoặc phổ biến hơn: tiểu lục địa Nam Á) có 2 con sông quan trọng: sông Hằng và sông Ấn, hiện sông Ấn nằm ở Pakistan sau khi phân chia lại biên giới quốc gia.
  • Diện tích lớn thứ 7 trên thế giới và Dân số đạt hơn 1 tỉ dân (lần lượt gấp 13-14 lần Việt Nam) — tỉ lệ tăng trưởng dân số dương, quyền lực của thị trường đông dân và nguồn lực nhân sự dồi dào. Là quốc gia duy nhất có đại dương mang tên mình: Ấn Độ Dương.
  • Lịch sử:
    • Cổ đại: xuất hiện nền văn minh thung lũng sông Ấn đầu tiên tại Nam Á, nền văn hoá Vệ-đà ở vùng Punjab và thượng đồng bằng sông Hằng, Mahajanapadas 16 vương quốc giàu mạnh trải dài trên đồng bằng Ấn – Hằng định hình nên đường biên giới Ấn Độ hiện đại, cuộc xâm lăng của Ba Tư và Hy Lạp trước Công Nguyên ảnh hưởng đến nền thống trị và văn hoá pha trộn
    • Trung đại: các Vương triều và Đế quốc thay nhau thống trị Ấn Độ, Đế quốc Gupta thịnh vượng và sự xuất hiện của các vương quốc Rajput ở Rajasthan
    • Cận đại: Hồi giáo chinh phục Ba Tư và khát vọng chinh phục cả Ấn Độ, dòng người Hồi giáo di cư vào Ấn, Đế quốc Mughal lập nên bởi hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và kéo dài 200 năm thịnh trị – thời kì Hồi giáo áp đảo và phá huỷ đền thờ của Ấn Độ giáo.
    • Hiện đại: Thế kỉ XVIII, Ấn Độ thuộc quyền quản lý của Công ty Đông Ấn An h. Giữa thế kỉ XIX, Ấn bị kiểm soát hoàn toàn bởi Đế quốc Anh và giành độc lập năm 1947 bằng hình thức đấu tranh bất bạo động của lãnh tụ Mahatma Gandhi
  • Văn hoá:
    • Là nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại và 4 tôn giáo lớn trên thế giới: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo, sau đó Hồi giáo truyền vào Ấn Độ tạo nên một quốc gia tôn giáo đa dạng bản sắc và nhiều lễ hội rực rỡ.
    • Là quốc gia chịu nhiều lời đồn nguy hiểm về an ninh: hiếm dâm, bắt cóc, giết hại… nhưng có vẻ sự thật không phải vậy!
    • Sự bùng nổ của Bollywood bên cạnh Hollywood, những thước phim Cô dâu tám tuổi, Triệu phú khu ổ chuột, Ba chàng ngốc của “quốc bảo” Aamir Khan và ngôn ngữ điệu say Yes với cái lắc đầu nghệ cả củ
    • Ẩm thực đặc sắc với Các loại bánh mì, Masala và Spices hàng trăm loại gia vị
    • Có tổng cộng 40 Di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận và 1 Kỳ quan thế giới hiện đại Taj Mahal trong đó trip sẽ đi qua 5/40 touchpoints: Humayun’s Tomb (Delhi), Arga Fort (Arga), Taj Mahal (Arga), Hill Fort of Rajasthan: Jaisalmer, Amber Fort (Rajasthan), Jaipur City (Jaipur)
  • Kinh tế:
    • Dịch vụ 46.6% GDP: ngân hàng, gia công phần mềm
    • Công nghiệp 28.9% GDP: dệt, viễn thông, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, thép, thiết bị vận tải, xi măng, khai mỏ, dầu mỏ, máy móc, và phần mềm
    • Nông nghiệp 16.8% GDP: lúa gạolúa mì, hạt có dầu, bôngđaychèmía, và khoai tây
    • Chênh lệch giàu nghèo theo GPD: 1% giới tinh hoa với tiềm năng kinh tế khổng lồ bên cạnh số lượng người nhiều nhất sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 đô la Mỹ/ngày theo Ngân hàng Thế giới)
    • Đơn vị tiền tệ: đồng rupee, tỉ giá 1000 VND = 300 INR; 1 cốc Masala chai (trà sữa Ấn) có giá 10 INR = 3000 VND, 1 chiếc nhẫn trang sức bằng bạc pha có giá 50 INR = 15,000 VND, 1 cuốc xe Tuk Tuk 1,5km đi 6 người có giá 100 INR = 30,000 VND nhưng 1 chuyến bay nội địa 1,5 giờ của hãng bay SpiceJet giá rẻ lại có giá hơn 12,000 INR = 3,400,000 – 4,000,000 VND phản ánh rõ rệt của sự chênh lệch.
  • Chính trị:
    • Thể chế: Cộng hoà dân chủ liên bang, Tổng thống đứng đầu Nhà nước và Thủ tướng đứng đầu Chính phủ (thông thường, Tổng thống sẽ làm theo lời khuyên của Thủ tướng)
    • Quốc kì có hình khung cửi = dệt sợi; cảm hứng từ chiếc áo khadi tự dệt ở mỗi nhà trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Anh phát động bởi Mahatma Gandhi, chống lại tình cảm oái ăm rằng công nhân may nội địa thất nghiệp đầy ra nhưng đất nước vẫn mua sắm hàng dệt may cung cấp từ Anh. *chiếc áo Khadi

“Ăn cắp” proposal của Bucketravel

Day 0: “Namaste, India”

📍 Saigon - Delhi

18g30, team bay thẳng chuyến duy nhất trong ngày của Vietnam Airlines từ Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Indira Gandhi (New Delhi, India). Hiệu bảo Vietnam Airlines cạnh tranh không bằng Vietjet nên giảm thiểu chuyến bay rồi đổi cả giờ bay từ sáng sang tối muộn.

Chiếc máy bay nhỏ 2 hàng ghế vù vù trong 5.5 tiếng, ngồi cạnh mình là một bác người Ấn lớn tuổi nói lơ lớ tiếng Anh cùng nhiều hành khách Ấn trở về quốc gia của mình. Dường như không gian máy bay có phần o hẹp so với họ, nhiều hành khách sau bữa ăn xếp thành hàng ở lối đi đợi đến toilet và ghé lại tán gẫu vài câu với người quen ở hàng ghế khác, hẳn là họ cần rửa lại tay vì mình thấy nhiều bác ăn ngon lành bằng tay phải, hầu hết gọi suất ăn veg (vegetables = ăn chay). Khung cảnh nô nức, nhiệt nhiệt đầu tiên mở ra một Ấn Độ rực rỡ sắc màu vài ngày tới.

Indira Gandhi International Airport rộng, sạch, trải thảm lối đi không kém cạnh một sân bay tiêu chuẩn 5 sao nào. Indira Gandhi được đặt dựa trên tên của vị nữ Thủ tướng đầu tiên và duy nhất cho đến hiện nay của Ấn Độ, người có công trong xây dựng An ninh hạt nhân, Cách mạng Xanh đa dạng, thặng dư lương thực và Cách mạng Trắng sản xuất sữa, giải quyết suy dinh dưỡng sau độc lập, ổn định đất nước; điểm thú vị là sân bay thường bị nhầm lẫn bởi tên của lãnh tụ Mahatma Gandhi dù hai người này thực chất không có mối quan hệ huyết thống với nhau.

📎 Mahatma Gandhi: https://vi.wikipedia.org/wiki/Mahatma_Gandhi

📎 Indira Gandhi: https://vi.wikipedia.org/wiki/Indira_Gandhi


Day 1: “Cốc Masala Chai ngon tuyệt đầu tiên và quần thể lăng mộ Humayun’s Tomb triều đại Mughal”

📍 Delhi - Arga

“Cái chạm” đầu tiên của mình ở Old Delhi

Old Delhi, hệt như tên gọi, khu mình ở là hỗn hợp của những khu nhà cũ (rất cũ) xập xệ, hoang tàn, nước bẩn lênh láng, cả phân bò thành từng bãi trên đường; lúc tối nhấp nháy vài quán bar có vẻ chẳng mấy an toàn, lúc sáng mơ màng trong lớp bụi mờ đục, ồn ã tiếng hàng quán streetfood dần lộ diện. Đó là buổi sáng đầu tiên của mình xuống đường tiếp xúc Ấn Độ, bằng tất cả nghi ngại về người dân nguy hiểm theo thông tin báo đài. Ba đứa tụi mình nép vào nhau để đi, vừa né phân bò, vừa như chẳng dám hó hé gì gây chú ý, cuối cùng sà vào làm cốc Masala Chai đầu tiên, nóng hây hẩy trong cốc gốm nhúng thêm vài chiếc bánh xốp, sững sờ trả 70 INR = 21,000 VND cho 3 Chai và 4 bánh (mấy cái cốc gốm uống 1 lần, uống xong đập bỏ). Chà, thế là chúng mình thực sự đã ở Ấn và tận hưởng cảm giác giàu sang khi chênh lệch tiền tệ rồiii.

✨ Mãi đến khi tổng kết lại chuyến đi, cốc Masala Chai nhúng cái bánh xốp là bữa sáng local ngon lành mình thích nhất, chắc ăn kèm mấy ông bác xì xố trò chuyện, bò và phân bò lác đác thảnh thơi trong khung cảnh tan hoang, xúc động nên ngon hơn.

Humayun’s Tomb nhìn từ một cánh cổng, Delhi

Humayun’s Tomb, quần thể lăng mộ đầu tiên của Ấn Độ, nơi yên nghỉ của vị vua thứ hai đế chế Mughal. Là một trong những ngôi mộ garden-tomb đầu tiên của triều đại Mughal và đại diện cho kiến trúc Mughal đỉnh cao. Thợ thủ công Ba Tư và Ấn Độ đã cùng nhau xây dựng lăng tẩm vườn, đẹp hơn bất kỳ lăng tẩm nào được xây dựng trước đó ở thế giới Hồi giáo. Lăng tẩm vườn của Humayun là một ví dụ của charbagh (vườn được chia làm bốn phần với bốn con sông thiên đường trong Quran được đại diện), với các hồ nước nối với nhau bằng kênh. Vườn được vào từ các cổng cao trên phía nam và phía tây với các biệt thự nằm ở trung tâm các tường phía đông và bắc.

Tìm chỗ ăn trưa lại là một câu chuyện hề, định sẵn chuyến đi sóng gió chứ không dễ thở [clip]

Sân cỏ trước lăng mộ chính, Humayun’s Tomb, Delhi

“Không nơi nào là Tuk Tuk không tới được”, và đây Tuk Tuk chiến thần xa lộ, bậc thầy lạng lách trên “đường một chiều” in ỏi còi xe chở tụi mình đến Qutub Minar. Đến được Qutub Minar cũng là lúc ố ồ nhận ra: “Quả không hổ danh đất nước đông dân thứ hai trên thế giới”. Cả team quẩy mông núp lẹ lên chiếc mini van vèo vèo đến Arga.

Delhi → Arga 222km = 5 tiếng rưỡi ê ẩm mông má thì tới.

Ăn tối ở SHEROES Hangout Cafe (run by victims of Acid Attacks, published article by Aventure.com), tiệm bán món chay và phục vụ là những người phụ nữ nạn nhân của thói tạt acid, ảnh hưởng đến chức năng của mắt và cơ mặt nhưng luôn roi rói chào mừng. Đây là mặt tối hùng hồn của thời kì hỗn loạn, dân trí thấp đến không kiềm chế được cảm xúc nóng vội khi liệt kê lý do khiến những người phụ nữ này bị hại: chồng bạo hành, anh em họ gây án, khách hàng đi ngang ném vào túi axit… hết sức kì dị, cứ như sinh ra là phụ nữ thì họ mặc định “gặp nạn” vậy. May mắn, họ đều mạnh mẽ lựa chọn sống tiếp một cách có ích, các chị bảo lần sau các bạn Việt Nam tới exchange một món quà Việt thì tiệm off ngay 20%, dễ thương hết sức, mọi người đến Arga thăm Taj Mahal có thời gian ghé qua nhé.

Cũng là chơi bài nhưng ở Ấn thì chơi Kama Sutra. Thắng thua là chuyện của trời, nhưng nghiên cứu đủ 52 tư thế là chuyện của mấy khứa mình.

📎 Kama Sutra: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kama_Sutra


Day 2: “Kỳ quan thế giới Taj Mahal 3 lần 1 ngày”

📍 Arga

Taj Mahal và chén cơm tró của Hoàng và Dương

Buổi sáng tinh mơ của 5g hơn, bầu trời đen đặc, tụi mình đi bộ quần quật ở lối đi lót gạch mấy cây số liền, háo hức dẫn đến cổng vào kỳ quan lăng mộ Taj Mahal. Là một trong bảy Kỳ quan thế giới mới, ai đến Ấn Độ mà không háo hức ngắm nhìn tận mắt, tìm thấy mình lọt thỏm nhỏ xíu trong khối kiến trúc uyên thâm bậc thầy từ trăm năm trước và ngưỡng mộ tình yêu nam nữ vĩ đại của một vị vua với hoàng hậu yêu dấu của mình.

  • Năm 1632, Vua Shah Jahan (vương triều Mughal) khởi công xây dựng với ý tưởng “ngôi mộ đẹp nhất thế giới” theo lời nguyện cầu của hoàng hậu Mumtaj Mahal trước khi qua đời. Công trình kì công thế kỉ trên nền đất rộng lớn chỉ phục vụ yên nghỉ cho một người, thể hiện tình yêu vĩ đại và sự xa hoa giàu có của thời đại thịnh trị.
  • Lối kiến trúc kết hợp Ấn Độ – Hồi giáo – Ba Tư: thiên đường của Hồi giáo được mô tả có tám cổng, nên các phòng trong lăng được thiết kế hình bát giác với mái vòm “củ hành” đặc trưng, khu vườn trước lăng được chia làm bốn phần theo phong cách Ba Tư, nhưng hệ thực vật lại phản ánh di sản văn hóa du mục của người Mughal ở Trung Á.
  • Mỗi một lúc bạn đến, mỗi một sắc nắng, Taj Mahal lại có một màu sắc khác nhau. Trước khi mặt trời mọc, Taj màu đen. Khi bình minh, Taj màu vàng nhạt và hồng. Vào buổi chiều, Taj trắng xóa một cách ngoạn mục. Khi hoàng hôn, Taj phủ lên màu vàng óng. Sự chuyển sắc óng ánh trên nền trắng ngà thuần khiết của đá cẩm thạch khảm cùng 28 loại đá quý khác nhau: Thạch anh từ Punjab, Ngọc Bích từ Trung Quốc, Ngọc Lam từ Tây Tạng, Ngọc Lưu Ly từ Sri Lanka, Than và Cornelian từ Ả Rập và kim cương từ Panna.
  • Cũng là công trình thế kỉ, khiến triều đại Mughal đi vào khó khăn lụn bại.

📎 Bài viết tham khảo (cực kì chi tiết): Tản mạn về Xứ Ấn – Taj Mahal, Kỳ quan của thế giới của Chuyện người lữ hành a.k.a nhân vật Hẹo trong chuyến đi.

Khu vườn thiên đường dẫn đến Taj Mahal

Chứng kiến tình yêu tình yêu to bự “kinh thiên động địa, tán gia bại sản” của một vị vua, con bé trong team tặc lưỡi: “Em tin vào tình yêu thần thoại, chỉ là không tin nó sẽ xảy ra với mình…” Chà, có phải thời hiện đại mọi thứ tân tiến thì tình yêu khó kiếm và chẳng mấy đáng tin không. À, đến nơi tuyệt đẹp này, mình lại chẳng mảy may nghĩ đến việc yêu đương, chắc mình là một miếng đá nào đó được gắn lên mái vòm ngày ngày vui vẻ đón nắng, cảm nhận nhân duyên thế gian chỉ như dòng người lũ lượt kéo đến rồi vụt đi…

Tụi tui… ngồi ngắm Taj Mahal chán chê

Trên con sông Yamuna vắt vẻo cạnh Taj Mahal sừng sững, chim chóc và lũ cún được người dân rải thức ăn, con nào con nấy béo tốt cạnh mặt nước yên bình. Mấy chú cảnh sát cùng người dân dù không hiểu tiếng Anh nhưng chân thành, thân thiện lắm.

Chiều thêm một tí, pháo đài Arga Fort (hay còn gọi là Red Fort, pháo đài đỏ) bằng đá sa thạch đỏ rực cạnh dòng Yamuna hiện lên khổng lồ với hàng nghìn chim chóc chao liệng. Vào những năm cuối đời, vua Shah Jahan bị chính người con của mình lật đổ và giam lỏng ở Arga Fort, chỉ có thể ngắm nhìn Taj Mahal qua những ổ cửa nhỏ xa xôi để tưởng nhớ về người vợ yêu dấu quá cố của mình. Quả thực, ở Arga Fort, mọi cánh cửa cổ mọi ánh nhìn đều có thể hướng về Taj Mahal tuyệt đẹp ẩn trong làn sương mờ ảo.

Ăn uống ở Arga, lần đầu tiên mình gọi Mutton Masala (thịt cừu) một món non-veg khác thịt gà, ông bếp ái ngại hỏi “có thể đổi sang thịt gà được không chứ không tui phải ra chợ mua á mấy bà” nhưng cuối cùng sau 30p bếp đỏ lửa, ổng bưng ra đĩa Mutton béo ngậy, bánh Chapati phủ cheese và mấy ly Lassi (sữa chua Ấn) mát lạnh ngon lành. Quán ổng là Cafe Bob Marley, sau bữa ăn ổng chụp hình team lia lịa xong hứa lần sau mấy đứa quay lại được OFF 20% và Free Beer.

Trời tối sụp, cũng là lúc tụi mình ra đường truy tìm street food. Street food ở Arga là những chiếc xe đẩy chứa đầy đồ ăn rải khắp con đường, đây là các món tụi mình đã thử và cảnh tượng héo hồn thú dị đã xảy đến:

  • Mì xào trứng, mình đã gọi món này, cho đến khi ông chú làm ra chiếc trứng kẹp sandwich rắc muối masala phù phù. Tụi mình đi 5 người, ông chú không hiểu tiếng Anh nên hơi lớ ngớ, tiếp đó một ông chú lớn tuổi khác tiến đến “hỗ trợ dịch thuật”, sau đó vài người cũng tò mò kéo đến hỏi han, mấy đứa nhóc chạy xe máy tấp lại ngó nghiêng, sau một hồi thì tổng số người local đến “trợ giúp” đã nhiều hơn số người mua đồ ăn là tụi mình, cuối cùng ông chú chủ quán vẫn ra món sai. Tự dưng thích sự bao đồng dễ thương này ghê!
  • Bánh ngọt, là những chiếc bánh màu sắc sặc sỡ bóng bẩy trong hộp nhựa mà thoạt nhìn hẳn là ngon lắm, tụi mình ghé vào ông chú chủ xốp cũng hăm hở cho ăn thử, ăn được một miếng cả đám tá hoả vì khác hẳn vẻ ngoài, nó từa tựa mứt bí đao ngọt lịm ngọt túi bụi ngọt x10 lượng đường trung bình một người tiêu thụ. À, giống giống mứt nhúng đường mà tụi nhóc dưới quê thích mê ở Việt Nam tầm 20 năm trước á.
  • Pani puri, bánh tròn chiên giòn đục lỗ rưới thêm một miếng sốt lạnh béo và không thể thiếu masala salt rắc phèo phèo lên trên, ăn vậy mà cuốn, nhớ đâu một cái 5 INR, đổi ra là 1,500 VND ò í e.
  • Chuyến xe tuk tuk mẹo hiểm. Có vẻ dân số đông không giúp cuộc sống người dân tốt hơn mà dẫn đến tình trạng dư thừa lao động và chi phí nhân công rẻ mạt. Một công việc ở Việt Nam thuê một nhân sự multitasking là có thể “ôm xô” hoàn toàn thì ở Ấn phải 3-5 người lù đù chia nhau ra làm. Và những chuyến xe tuk tuk mà các bác tài điệu nghệ bảo là “Metro Metro ewww” thì nhan nhản, kiên nhẫn kéo khách và chào với cái giá cực thấp, ví như là 100 INR = 30,000 VND cho quãng đường 1,5km cho 6 hành khách. Ông bác già chở tụi mình đi tìm kiếm một cái “night market” không tồn tại ở Arga, vì cơ bản Arga không có kiểu night market for food and shopping, chỉ có những con đường và hàng quán gọi là sáng trưng. Thế là mình gông cổ lên nằng nặc đòi ông bác quay xe về lại khách sạn, mặc cho ông bác liên thiên “We’re friends, we’re family” phân bua và cái nhìn quay quắc tận khi mình xuống xe. Một lúc nào đó, mình nghĩ mình trách nhầm ông bác, đánh vòng hay đi ngược xuôi thì có sao trong khi cái mức giá để duy trì cuộc sống là quá khó khăn. Mãi những ngày sau, tụi mình còn dùng câu cửa miệng “We’re friends, we’re family” để tránh xa dân Ấn cố gắng chèo kéo, thách giá gấp 4-5 lần giá trị thực của một món hàng lưu niệm…

Xen giữa 2 bữa ăn thì mình còn có một chuyện kể vô tiền khoáng hậu: Đi tìm mua sanitary pad ở Ấn Độ khi mà gần như 100% người đứng quầy là đàn ông. Có vẻ phụ nữ không được khuyến khích show up quá nhiều, đa phần ở nhà chăm lo gia đình. Đó là một medical store mà mình tin tưởng, bẽn lẽn bước vào say hi với một ông chú trung niên, may mắn ông chú khá sành sõi tiếng Anh nên múc ngay cho mình một gói bông “thick & long, pls” và thân thiện bảo chú có một vợ hai con gái, “Come to Vietnam is my dream”. Có thể phép lịch sự và thân thiện khiến họ trở nên dễ gần và đỡ lo sợ hẳn với đất nước này, kiểu “À, cũng chẳng đáng sợ như báo đài và bạn bè xung quanh mình đồn đoán!”


Day 3: “Đắm chìm trong thành phố hồng Jaipur, cung điện gió Hawa Mahal và Nahargarh Fort về đêm”

📍 Arga - Jaipur

Jaipur và màu hồng Terracotta Pink nhìn từ trên cao

Ngày thứ ba, khởi đầu một ngày bằng chuyến xe 5 tiếng nhong nhong tạm biệt Arga để đến với Jaipur. Quả thực, thành phố Arga ngoài Taj Mahal và Arga Fort quá đỗi hoành tráng thì có hơi đơn điệu. Thế là tụi mình đến với Jaipur - thành phố màu hồng, sống động và rực rỡ đúng nghĩa trong hành trình Colorful India.

Chiếc minivan cùng băng ghế sau bất ổn bò trườn tới được Jaipur vào gần trưa dưới cái nắng rạo rực 30 độ, Jaipur mở ra trước mắt tụi mình là san sát những dãy nhà tạo thành dãy phố, ngã tư, phiên chợ, cung điện và cổng thành… toàn một màu “hồng” nhúng nhảy dưới ánh nắng lấp lánh. Màu “hồng” của Jaipur không hẳn là tone hồng thường thấy, nên gọi là Terracotta Pink trong bảng màu Pantone. Vào thế kỉ 19 thành phố Jaipur vì muốn tỏ lòng hiếu khách chào đón Hoàng tử xứ Wales nên đã khoát lên mình chiếc áo hồng nhẹ nhàng, rạng rỡ. Jaipur cũng là thủ phủ bước vào bang sa mạc Rajasthan khô cằn, tiếp bước đến các điểm du lịch nổi tiếng như như Jodhpurr, Jaisalmerr, Udaipur, Kota. Thành phố đông dân top 10 của Ấn Độ những những phát tiến khoa học – công nghệ riêng khiến Jaipur đã cân bằng rất tốt giữa văn hoá truyền thống xưa cũ đồng thời hiện đại, tiến bộ.

Đặt chân đến homestay là một ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi mang đậm lối kiến trúc bày trí Rajput Trung Á, tụi mình ùa ra ngoài khu chợ náo nhiệt đứa hối hả ly nước mía ngọt lịm mát lạnh, đứa sa vô quầy bán sữa nhưng quên dặn “No masala salt, pls” thành ra uống một ngụm không hết khát nhưng sốc ngang tỉnh táo đến mấy ngày sau còn nhớ (đứa đó là mình). Quay lại ngôi nhà cổ, có 2 tầng hầm, 2 tầng trên mặt đất và 2 sân thượng, trần thấp cửa ra vào còn thấp hơn chiều cao bé tí của mình, trang trí hoạ tiết hoa cỏ Trung Á tươi tắn trên nền trắng nhã nhặn, sử dụng white space một cách điệu đà hợp lý. Phòng mình và chị Thuỳ rộng nhất, có phòng khách, phòng ngủ sau tấm rèm, tủ đồ âm tường và nhiều cửa nhỏ khoá cẩn thận.

Hưn và Cung điện Gió

Hawa Mahal Cung điện gió hay “The Palace of Winds”, “The Palace of Breeze” được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ và hồng, trở thành biểu tượng du lịch của Jaipur.

“Cấu trúc mặt ngoài của nó cao năm tầng giống như một tổ ong với 953 cửa sổ nhỏ được gọi là Jharokha, được trang trí bằng những đường lưới phức tạp. Mục đích ban đầu của thiết kế lưới này chính là để cho phép phụ nữ hoàng gia quan sát cuộc sống hàng ngày và các lễ hội được tổ chức trên đường phố bên dưới mà không bị trông thấy, vì họ phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt “purdah”, và bị cấm xuất hiện ở nơi công cộng nếu không che mặt. Đặc điểm kiến trúc này cũng cho phép không khí thoáng mát bởi hiệu ứng Venturi đi qua, khiến cho toàn bộ khu vực cung điện dễ chịu hơn trong những tháng mùa hè nóng nực. Nhiều người nhìn thấy Hawa Mahal từ đường phố và nghĩ rằng nó là mặt tiền của cung điện, nhưng thực chất đó là mặt sau.” – Wiki: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hawa_Mahal

Lễ hội Ganggur – Lễ hội rạng rỡ trên bề dày đức tin tôn giáo, chú voi hoành tráng đi trước và các cô các bà niềm nở bước theo sau, không quên mang lễ vật là một chiếc bình nhỏ màu bạc đựng ít bánh trái. Thấy tụi mình mặc mũi khác thường lân la tới, mọi người không ngừng ngại kéo luôn vào nhảy múa và ăn mừng chung, nhiệt tình đặt chiếc bình lên đầu của mỗi đứa như cách họ gửi gắm điềm may. Có cô muốn chậm lại selfie với tụi mình mà đoàn kéo đi mất tiêu, mặt cô lộ vẻ tiếc hùi hụi. Tụi mình chỉ ghé qua một chút, lòng đã phủ đầy niềm vui, cứ như lời chúc cho tình yêu lứa đôi (chủ đề của lễ hội) đã linh nghiệm ngay hay là nét đẹp hân hoan vô tư của họ được thoải mái phô bày khiến mình ngưỡng mộ quá nhiều.

Tụi tui hoà vào lễ hội Gangur

Cổng Patrika – Cánh cổng thứ 9 thuộc bức tường thành Jaipur với lối kiến trúc đậm chất Hindu màu hồng cánh sen trên những chi tiết trang trí tinh xảo. Là nơi phát “cơm tró miễn phí” vì cô dâu chú rể lựa chọn làm nơi chụp ảnh cưới, đằng sau là một công viên xanh mát có những cô cậu bé sáng sủa học cách trượt patin yên ả tinh tú… khác hẳn vẻ xô bồ náo nhiệt của 80% Ấn Độ ngoài kia.

Nahargarh Fort, step well, Jaipur by night. Nghe bảo đón hoàng hôn ở Nahargarh Fort phủ xuống toàn cảnh Jaipur từ trên cao tuyệt đẹp, nhưng tụi mình đã dui dẻ bỏ lỡ, vì chuyến xe từ Patrika Gate đến Nahargarh Fort uốn éo hơn 20p đường đèo thì mặt trời đã lặn tám mùa. Bù lại, lần theo con đường mòn rậm cây xuống đến Stepwell, nét kiến trúc “giếng nước bậc thang dưới lòng đất” đặc trưng ở vùng Tây Ấn từ thế kỉ VII – XIX không khiến mình bớt thích thú hơn. Ở những pháo đài khô cằn trên đồi cao, Stepwell là một sáng kiến dẫn nước và trữ nước cho sinh hoạt cần thiết. Hôm đến Amber Fort tụi mình còn đi thêm một Stepwell xinh xắn và còn nước nữa. Phải cực kì nể phục nước Ấn trong việc bảo tồn những di tích văn hoá – lịch sử, đan xen giữa cổ xưa và hiện đại và được sống mãi với thời gian. Những Stepwells xinh đẹp khác:

  • Agrasen ki Baoli, New Delhi xuất hiện trong movie PK của Aamir Khan
  • Toorji Ka Jhalra Bavdi, Jodhpur
  • Amer Stepwell, khu vực Amber Fort, Jaipur

Trở về Hawa Mahal vào tối muộn, tụi mình làm một bữa đồ Ý đúng nghĩa “no masala” trong cả trip với giá cực hạt dẻ 2000 INR cho 5 người, ngắm vẻ đẹp thần bí lung linh của Hawa Mahal by night.

Đường phố Jaipur

Bapu Bazar, khu chợ trời khổng lồ bằng mấy con phố xung quanh Hawa Mahal, bán đủ mọi thứ ở Jaipur và đây là những gì tụi mình tìm được:

  • Bánh pani puri ngập sốt masala + mayonnaise
  • Bánh ngọt 100% từ sữa, trứng muối béo ngậy ngon toẹt (ăn nhiều thì ngán)
  • Cốc Lassi (sữa chua Ấn) có lớp váng sữa béo bên trên, ngon nhất trip
  • Kem hạt dẻ cười (padam milk) vì vị kem giống y chang vị sữa hạt à!
  • Những chiếc khăn choàng (một ít Cashmere như lời rao bán) giá 400 INR/chiếc
  • Những chiếc nhẫn bạc si với giá 100 INR/chiếc (có khi 50 INR)
  • (Vô cùng nhiều) bộ bài Kama Sutra full HD không che :))
  • Sổ tay, khăn choàng, quần áo in chàm (indigo) cực kì hạt dẻ
  • ✨Bonus: Thực ra, nếu bạn có đi tiếp đến Jaisalmer thì gượm đã, tất cả những món trên đều có thể tìm thấy ở Jaisalmer, với chất lượng tinh xảo + giá phải chăng hơn 😇

Day 4: “Chớp nhoáng bình minh lên Jal Mahal, hoà mình vào lễ hội ở Amber Fort và trải nghiệm chạy tàu thót tim hụt hơi không bao giờ quên”

📍 Jaipur - Jaisalmer

Bình minh trên Cung điện nước Jal Mahal, Jaipur

Lại một buổi sáng tinh mơ thức dậy đón bình minh, lần này mặt trời tròn ủm trên Jal Mahal (Cung điện nước) giữa lòng hồ Man Sagar Lake. Nội việc xây dựng một Cung điện giữa lòng hồ đã kì khôi, mặt trời ửng đỏ cùng đàn chim chao liệng tưởng chừng còn vô thực hơn. Cái trip sao mà có nhiều giây phút “lặng ngắm” đến thế!

Amber Fort chiếm đóng một ngọn đồi, Jaipur

Những ngày dậy sớm thiệt thích, sẽ có cả ngày trải ra trước mặt. Cái ngày trải ra đó sẽ được dùng để ngắm những tia nắng sớm chưa quá ồn ã tại Amber Fort, Pháo đài di sản được UNESCO công nhận và tráng lệ nhất Ấn Độ. Quần thể cung điện rộng lớn, sừng sững đón tụi mình từ chân đồi đến khi chễm chệ trên đỉnh một ngọn đồi cao, tạo nên màu hổ phách khí khái (Amber) từ đá sa thạch vàng, hồng nhạt cùng đá cẩm thạch trắng. Fun fact: Amber Fort không có nghĩa là Amber hay “màu hổ phách” đơn giản như vẻ ngoài của nó, Amber hay còn gọi là Amer Fort lấy tên từ Ambikashwara – tên địa phương của thần Shiva tối cao trong đạo Hindu, vậy nên Amber Fort thừa hưởng lối kiến trúc Hindu và một ít ảnh hưởng từ vương triều Mughal. Dễ dàng tìm thấy và ấn tượng bởi bức tường “Magic flower” với 7 hoạ tiết độc bản: fishtail, lotus, hooded cobra, elephant trunk, lion’s tail, cob of corn và scorpion hoàn toàn được điêu khắc bằng tay trên đá.

Cũng trên Amber Fort, tụi mình gặp được lễ hội thứ 2 trong 7 ngày ở Ấn: lễ hội Thần Parvati, vợ thần Shiva tối cao và là mẹ của thần voi Ganesha. Thần Parvati đại diện cho hạnh phúc hôn nhân gia đình trong đạo Hindu, bên cạnh cổng vào thành có một đền thờ Hindu nhỏ nhưng tinh xảo mát lạnh bằng đá cẩm thạch, đón số người đi lễ rất đông, họ bỏ giày dép một đoạn rất xa bên ngoài rồi đi chân đất vào điện thờ, vừa đi vào vừa rộn ràng thả cánh hoa hồng vừa hò hét “Yamatari” hết sức nồng nhiệt. Báo đài cũng rộn ràng đưa tin, chắc có quay cả tụi mình, những gương mặt lạ lùng và khác biệt cũng hào hứng không kém hoà vào lễ hội. Nhiều người hôn lên bậc thềm vào đền, hoặc dùng tay vệt lên môi, xếp hàng ngay ngắn đến lượt rung chuông thần và đợi thầy phết chấm đỏ may mắn lên giữa trán. Tụi mình rung chuông và không được cho phép vào sâu thêm, chắc do không phải người trong đạo. Cảnh tượng này dường như từng xuất hiện trong thước phim điện ảnh PK của Aamir Khan (2014) mà mình đã xem từ rất lâu, khi trực tiếp đặt chân đến Ấn, hoà vào không khí tôn giáo đặc quánh, mình lại chẳng cảm nhận mấy 10 năm đã qua đi…

Chiếc Stepwell gần Amber Fort, Jaipur

Chiều tà tà, tụi mình lân la trả giá ở Bapu Bazar và tản bộ đến City Palace & Chandra Mahal “phong cách kiến trúc Rajput và Mughal được chạm khắc hoàn mỹ được phân tầng bởi những khu vườn rực rỡ, sân trong, hội trường, dinh thự hoàng gia và phòng trưng bày nghệ thuật”. Tại City Palace có 4 cánh cổng điêu khắc nổi bật, bốn cổng đại diện cho bốn mùa và bốn vị thần Hindu tối cao:

  • Cổng con công ở phía đông bắc đại diện cho mùa thu và thần Vishnu
  • Cổng hoa sen ở phía tây nam đại diện cho mùa hè và thần Shiva
  • Cổng hoa hồng ở phía đông nam với những cánh hoa hồng lặp đi lặp lại dành riêng nữ thần Devi
  • Cổng làn sóng ở phía tây bắc, màu xanh lục tuyệt đẹp của mùa xuân và thần Ganesha

Kết lại ngày thứ 4 tại Ấn (à, đâu kết dễ dàng vậy được!) bằng trải nghiệm có 1 không 2 không dành cho người yếu tim, phụ nữ có thai và đang cho con bú: chạy tàu ở Ấn. Mọi thứ đều gấp gáp và hấp hối, cái nắng chiều nổ lửa ở Kapu Bazar rơi tọt tọt trên những gương mặt nhăn nheo đợi bác tài đánh xe kẹt cứng đến trạm tàu, khi chỉ còn chưa tới 40p nữa tàu chạy. Bác tài tay lái lụa vèo vèo thả nguyên đám xuống bãi rác cửa vào trạm (không hiểu sao cổng vào trạm tàu lại là một bãi rác…). Mấy đứa tay xách balo tay đẩy vali hổn hển vào trạm, lên thang máy rồi lại xuống thang máy, qua mười mấy toa tàu mà mỗi toa người đông ùn ùn đợi sẵn, bing bong tàu đến và tàu dài thoòng, nguyên đám không ai biết chạy đến khi nào sẽ lên đúng toa vé đã mua, dòng người từ tàu đổ xuống và dòng người đợi sẵn ào ào lên tàu, hỗn loạn và mất luôn dấu người phía trước. 3p trước khi tàu xập xình lăn bánh, tụi mình bò được lên một toa tàu giường nằm khang trang và phát hiện… lên nhầm toa cmnr, ét ô ét. Kiểu no time to think, chuyện đã rồi, Hiệu ở đằng trước mở đường và Hoàng ở dưới cùng chốt team, vật vã đẩy mấy kiện vali béo ú qua 2-3 toa tàu chật hẹp mới đến được toa vé đã mua, lúc này tàu đã chạy từ đời tám quánh nào rồi. Ngồi xuống mới thở phèo phèo nhẹ nhõm, lỡ trễ chuyến tàu này thì không biết làm sao để đến được Jaisalmer trong hành trình, vì vé tàu lúc nào cũng cháy cũng đông khách đi lại, có khi chen chúc ở những khoang ghế ngồi và được chứng kiến cảnh đu bám trên thành tàu mà vé bay Jaisalmer ↔ Delhi cũng hi hữu chỉ còn lại 1 chuyến bay/tuần.

Bữa tối trên tàu là một phần Thali “cơm hộp” mà cả team “say no with Masala” đã ăn ngon lành, đánh vài ván Kama Sutra rồi lắc lơ chìm vào giấc ngủ nhẹ nhõm. Tàu hơi u tối, chỉ có quạt, nhưng có chăn mền đầy đủ và phòng vệ sinh sạch sẽ chấp nhận được. Chắc còn lâu mới quên được cảnh chạy tàu vã cả mồ hôi, nhưng vui khùm này!


Day 5: “Bước vào pháo đài Jaisalmer sống mãi từ thời trung đại và (lại) đắm mình trong lễ hội Hindu’s New Year”

📍 Jaisalmer

Namaste Jaisalmer với bữa Thali ngon lành, mutton thịt cừu nấu nhừ, vị cà ri ở Jaisalmer có vẻ dìu dịu và dễ chịu hơn Delhi nhiều.

Jaisalmer Fort, một trong những “pháo đài sống” cuối cùng của thế giới từ 1000 năm, từng là một phần trên con đường tơ lụa nối Ấn Độ với Ba Tư và Trung Á. Gọi là “pháo đài sống” vì cả trăm hộ dân vẫn sinh sống, bày bán đủ thứ hàng thủ công lưu niệm rực rỡ và hàng quán cafe, homestay bên trong pháo đài chằng chịt này. “Trong thời đại hoàng kim, pháo đài là thành phố Jaisalmer. Các khu định cư đầu tiên bên ngoài pháo đài, để đáp ứng sự gia tăng dân số của Jaisalmer, được cho là đã xuất hiện trong thế kỷ XVII

“Các bức tường bằng sa thạch màu vàng to lớn của pháo đài như là màu lông con sư tử trong ngày, phai màu vàng dịu khi mặt trời lặn, do đó ngụy trang pháo đài trong sa mạc màu vàng. Vì lý do này, nó còn được gọi là Sonar Quila hay Golden Fort. Pháo đài nằm giữa sa mạc  Thar trên đồi Trikuta. Ngày nay, nằm dọc theo rìa phía nam của thành phố mang tên nó; vị trí trên đỉnh đồi của nó làm cho tháp sắc màu rực rỡ của pháo đài rõ ràng cho nhiều dặm xung quanh.” Bước vào pháo đài như mở ra một thành cổ ngưng đọng với thời gian khi mà mọi thứ vẫn sôi nổi hoạt động.

  • Đền Jain giáo: Bên trong Pháo đài Jaisalmer có 7 đền Kỳ-na được xây bằng đá cát vàng trong thế kỷ XII-XVI. Askaran Chopra của Merta City đã xây dựng một ngôi đền lớn dành riêng cho Sambhavanatha. Đền có hơn 600 tượng thần với nhiều thánh thư cũ. Chopra Panchaji xây dựng đền Ashtapadh bên trong pháo đài.
  • Rất nhiều Merchant Havelis. Đây là những ngôi nhà lớn được xây dựng bởi các thương gia giàu có ở các thị trấn Rajasthani và các thành phố ở Bắc Ấn Độ, với chạm khắc bằng đá cẩm thạch trang trí. Một số haveli (những ngôi nhà truyền thống hoặc lâu đài) đã được hàng trăm năm tuổi. Ở Jaisalmer có rất nhiều haveli tinh xảo được khắc từ sa thạch. Một số trong số này có nhiều tầng và vô số phòng, với cửa sổ trang trí, cổng vòm, cửa ra vào và ban công. Một số havelis là bảo tàng ngày nay nhưng hầu hết ở Jaisalmer vẫn còn sống bởi các gia đình đã xây dựng chúng. Trong số này là Vyas được xây dựng trong thế kỷ XV, mà vẫn còn chiếm bởi các hậu duệ của các nhà xây dựng ban đầu. Một ví dụ khác là Cung điện Shree Nath từng được thủ tướng Jaisalmer cư ngụ. Một số cửa ra vào và trần nhà là những ví dụ điển hình của gỗ khắc từ hàng trăm năm trước.
  • Pháo đài có một hệ thống thoát nước khéo léo được gọi là ghut nali cho phép dễ dàng thoát nước mưa ra khỏi pháo đài trong cả bốn hướng của pháo đài.”
  • Những thứ đáng-sắm-sửa: vẽ tranh thủ công, đá quý, đồ trang trí bằng đồng hoặc gỗ, phụ kiện vòng tay lấp lánh, khăn choàng và thảm trang trí tường và nhiều phụ kiện liên quan đến bé lạc đà (mà tụi mình sẽ được cưỡi ở Camel Safari)
  • Nước mía có ice và anh đánh giày đáng mến.
  • Nhà hàng Big Tree có cái cây bự nhất trong thành, chuyên phục vụ fresh food nên thời gian từ lúc order đến khi được ăn phải hơn 30p.

Lễ hội thứ 3 tụi mình gặp trong trip: Hindu’s New Year ở ngay khu chợ trước cổng thành.

Ở bang Rajasthan hay thành phố Jaisalmer, rượu bia không được kinh doanh sau 9g tối, tụi mình biết điều này vì đã tìm mua thử beer Ấn nhưng cửa hàng đã đóng cửa. Nhưng cuối cùng tụi mình vẫn được uống ngon lành vì… bán chui, thỏ thẻ nội ứng ngoại hợp qua ô cửa nhỏ xíu này =)))

Beer Ấn nói chung là đậm vị, sảng khoái khà khà.


Day 6: “Đêm đầy sao giữa lòng Sa mạc Thar”

📍 Jaisalmer

Bình minh trên hồ Gadisar, Jaisalmer

Một buổi sáng tinh tươm nữa lại tới, tụi mình lại tất bật dậy sớm, cuốc bộ một khoảng và ngắm bình minh ửng hồng trên Gadisar Lake cùng một rừng chim bồ câu chao lượn trên ngôi đền nhỏ giữa hồ. Dạo bước dọc bờ tường đá và gian cầu nguyện cũ kĩ, đằng sau là những ngôi nhà còn sống, đạp một chiếc xuồng vui vẻ ra giữa hồ cũng chao lượn vài vòng.

Trên đường về thì mình té cái ùm xuống cống rãnh, máu chảy hai dòng, chuyện khó vầy mà cũng làm được.

Cũng kịp múc một cốc Masala tea vị gừng và chiếc bánh vòng Jalebi nổi danh.

“Đêm đầy sao” trong lòng sa mạc Thar xứng đáng là trải nghiệm vô thực và đáng nhớ suốt chuyến đi. Kiểu như là “không lời nào tả hết”…

Trong lòng sa mạc Thar

Lần đầu tiên mình cưỡi trên một chú lạc đà cao hơn 2m (có hình xăm đáng yêu), làm quen việc ẻm ngả người ra phía sau để vụt đứng dậy, chao nghiêng lộc cộc bước đi với đôi bàn chân dày thịt êm ái trên cát rồi lại ùm cái khuỵu chân thả mình xuống. Mất khoảng 15p đầu để giữ cân bằng, hết sợ hãi bị hất xuống đất (vì tụi nó cực kì hiền lành và đáng tin) và hơn 1 giờ sau relax & chill giữa bạt ngàn sa mạc, trống trải hoang hoải trên từng đụn cát khổng lồ và bụi cây gai thưa thớt. Càng đi sâu càng thấy mình bé lại, lọt thum thủm. Đi đến những dốc cát thì bé lạc đà cũng bước đi fast & furious hơn, chênh vênh tạo thêm vài nhịp hẫng cho người đang cưỡi.

Lần đầu tiên mình ở dưới một bầu trời đầy sao, lấp lánh sáng rọi không cần một ánh đèn, đêm vẽ đẹp như dải thiên hà gần đến thế, chỉ chực chờ đổ sụp xuống khi giai điệu “Starry starry night, paint your pallete blue and grey…” vang lên. Tối ấy, tụi mình ngủ trên những chiếc giường lộ thiên, chẳng có mái che, chỉ có tụi mình nhỏ xíu giữa đêm đầy sao. Độ 11g hơn vì say xỉn nên mình ngủ quắc, chừng 3-4g khuya mấy đứa tỉnh dậy thấy cả trời chi tiết lung linh huyền ảo hơn nữa, tiếc thật!

Mấy đứa, tính toán về tuổi tác thì không còn trẻ nữa, ngồi trên đồi cát cao được gió tạo hình một cách điệu nghệ, nhúng chân ấm áp xuống cát, chia nhau ngụm bia Ấn (chai con chim Kingfisher), ngà ngà ngắm mặt trời nhuốm màu sa mạc lặn xuống rồi trăng sao từ tốn hiện hình. Tụi mình lần tìm những chòm sao chiêm tinh học ở khắp bầu trời và cả sâu phía dưới mặt đất nữa vì cứ mỗi một ngày trái đất lại xoay vòng, các chòm sao lại hoán đổi vị trí, và những rối bời trong lòng dần dà lộ ra giữa không gian trải rộng đến vô cực. Sau cùng, tụi mình sẽ giữ đêm đầy sao hôm ấy sống mãi trong lòng chứ không phải những trò con bò ngốc nghếch đã làm ra, héo hồn :))

Mấy em bé lạc đà

Mấy em bé lạc đà chở tụi mình và vật dụng đến được khu lều trại thì được nằm è ra ăn ị ngủ nghỉ, nhiều đứa duỗi cổ phẹt ra thiệt ngớ ngẩn, sờ soạng đầu, cổ dài và bụng béo của chúng thiệt dễ thương. Trong lúc tụi mình ngủ, tụi nó sẽ ngủ bên cạnh, sáng dậy thấy vết chân của cáo sa mạc và trong đêm nghe tụi nó kêu méo méo?!!

Thay vì dùng nước để rửa chén thì họ sẽ dùng cát chà rửa trực tiếp và làm sạch, một cách sinh tồn trong thiếu thốn.

Đây là lúc chia nhau mỗi người một bụi cây để chôn vùi nỗi buồn xuống cát.


Day 7: “Để lại những cằn cỗi bạt ngàn ở Sa mạc Thar, để lại một phần hồn ở Ấn Độ”

📍 Jaisalmer - Delhi - Saigon

Tụi mình cùng đoàn porter nhiệt tình trip Camel Safari

Có vẻ vào thời gian tụi mình ở sa mạc Thar, bầu trời phủ một lớp màn mờ ảo khiến mặt trời mọc hay mặt trời lặn đều có một màu trắng vàng nhập nhoạng… như thể nhuốm màu cát của sa mạc.

Vẫn là những chú bé lạc đà cõng tụi mình ra khỏi sa mạc trở về điểm tập kết rồi về thành Jaisalmer. Vẫn là sa mạc khô cằn, hoang hoải kéo dài đến vô tận, vài đứa ham ăn dừng lại ngoạm miếng lá cây và dụi người vào những bụi cây cao… để gãi ngứa, mặt chúng nó lúc ấy chắc vẫn ngớ ngẩn vô số tội.

Về đến một ngôi làng có vài dãy nhà mái bằng và trường học sơn màu vàng, vài bé học sinh nhỏ xíu mặc đồng phục chạy chân đất đến và hỏi xin “school pen”. Các bé nhỏ xíu, đen nhẻm có đôi mắt viền đen sáng rực, sẽ không hỏi “Do you give me something?” hàm ý là tiền Rupee như ở Delhi hay Arga mà hỏi xin một cây viết để học, bác trưởng tour bảo ở đây rất hiếm bút viết, kể cả những vùng gần hơn với thành Jaisalmer. Hai đứa bé cứ đuổi theo mình đang cưỡi lạc đà, mình loạng choạng bóc ra cây bút Muji duy nhất màu xanh mint đưa bé, không biết một ít cỏn con này sẽ giúp bé học thêm và sống khác đi như thế nào. Một chút nữa vẫn là những dãy nhà không mái thưa thớt tạo thành “small village” như lời ông bác bảo, lác đác bóng người phụ nữ khắc khổ đi cõng nước, đồ rằng nhiệm vụ lớn nhất của họ trên đất sa mạc này là cõng nước, ngày ngày giờ giờ…

Những gương mặt vô tri hắt nắng ở đền thờ đạo Jain

Trong thành Jaisalmer ẩn chứa cụm 7 ngôi đền đạo Jain – Kỳ Na Giáo từ thế kỷ XII. Đạo Jain Tụi mình đi được 2 trong số 7 đền và tìm thấy các bức tượng Kama Sutra trong bậc thềm của một đền thờ. Trong đều có nhiều Holy master để sẵn khay đựng tiền cúng, bên dưới đều có Donation Box và disclaimer “Only place your money to the Donation Box” hehe.

Hành trình 7 ngày 8 đêm khép lại bằng chuyến bay 1g30 nội địa Spice Jet từ Jaisalmer ↔ Delhi, chuyến bay cuối cùng cho đến tháng 10/2023 (vì trời quá nóng!!) và bay tiếp 5g30 từ Delhi ↔ Saigon. Trước khi khép lại, tụi mình lại chạy muốn truỵ tim từ Ga quốc nội sang Ga quốc tế kéo dài 7km của cụm sân bay Indira Gandhi International Airport và mém nữa không kịp giờ boarding bị bỏ lại nguyên đám ở Ấn. Tự dưng, con bé Dương trong team nhìn mình và mình hiểu ngay, bị bỏ lại ở Ấn thêm vài ngày nữa cũng không hẳn là chuyện tồi…

@changxinjjang

Episode 1 | Hưn in Colorful India 🇮🇳 | một ngày ở sa mạc Thar edit vội vì lỡ để lại tâm hồn vào đụn cát bụi gai lạc đà cao ngồng và nụ cười tươi rói trên những gương mặt khắc khổ mình đi qua. “I never be the same as before” chắc đúng rồi, lơ lửng rồi lại trọn vẹn, cũng ít lấy lời nào tả xiết ✨✨ #ấnđộ #dulịch #trảinghiệm #mộtngàycủaHưn

♬ original sound – một ngày của Hưn 🌦 – một ngày của Hưn

Chuyện ăn uống “Masala trong từng hơi thở”

Món Ấn quả là khác món Việt một trời một vực, ăn được Masala – một loại gia vị đặc trưng “nồng nàn” trong hầu hết mọi món ăn thì cũng cuốn lắm! 👻