Chuyện những ngọn núi lửa ở Indonesia
Những ngày trở về từ những ngọn núi lửa hùng vĩ, ôm trong mình căn bệnh cảm sụt sùi nhiễm từ cái lạnh tê tái và hành xác từ Indonesia hơi xa, vật vờ lơ mơ trong văn phòng. Một phần rất lớn trong mình chưa muốn tỉnh táo lại, vẫn đang rất enjoy sự ốm yếu bệnh tật, như một thứ hay ho thừa hưởng còn lại của chuyến đi. Chuyện là, mình vừa leo lên một ngọn núi thật cao thật lạnh để ngắm nhìn thiên nhiên kì diệu.
#my_wonderful_first_impression_of_Indonesia
- Thăm quần thể Phật Giáo giai đoạn sơ khai lớn nhất thế giới, Borobudur Temple.
- Ngồi xe jeep đèo lắt lẻo trong màn đêm 3g sáng để ngắm kịp bình minh phủ lên Bromo. Bò lên tận miệng Bromo cảm nhận sự sục sôi của một ngọn núi lửa đang hoạt động.
- Thức xuyên đêm trekking lên đỉnh núi hơn 2000m, từ một bên vực thẳm sâu hun hút đến cả hai bên đều là dốc đứng, hít đủ một kg sulfur để lặng câm ngắm hồ acid xanh ngọc lam lớn nhất thế giới – Ijen Lake.
- Sau đó, cảm thấy những thứ trên người mình toàn là “treo tạm” hết. Sau đó, thật ra cũng không (đáng) nhớ nữa.
Climb mountains not so the world can see you, but so you can see the world missing the most important part SO YOU CAN SEE YOUR TRUE SELF 😀
1 | BOROBUDUR TEMPLE
Greatest early-stage Buddhist monument in the world
Có hai điểm không thể bỏ qua ở Yogyakarta là Borobudur và Prambana, sừng sững và kiêu hùng đại diện cho hai tôn giáo lớn ở Indonesia ở giai đoạn sơ khai.
Borobudur là quần thể Phật Giáo lớn nhất thế giới, còn Prambanan là hệ thống 244 đền thờ Hindu đứng đầu đất nước vạn đảo. Cả Borobudur và Prambanan đều mang trong mình hào quang của dĩ vãng, là minh chứng cho sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng của Phật Giáo và Hindu Giáo trước khi nhường đến 87,2% cho một tôn giáo sinh sau đẻ muộn: Đạo Hồi. Tương đương số lượng tín đồ hơn hai trăm triệu dân, Indonesia nghiễm nhiên trở thành quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới (The World Fact Book, 2010)
Tụi mình có 5 tiếng ở Yogyakarta trước khi bay tiếp đến Surabaya, đồng nghĩa với việc phải lựa chọn 1 trong 2 điểm trên. Cuối cùng tụi mình đi Borobudur.
Vé tham quan Borobudur ném cho mình một cú bất ngờ với sự chênh lệch giữa dân bản xứ và khách du lịch: 10 lần. Tụi mình đã ngậm ngùi trả 325.000 IDR (~550.000 VND), gấp 10 lần khi mua vé bằng Indonesia ID Card. Có thể mua ở agent tại sân bay hoặc dọc đường thì giá tốt xíu: 300.000 IDR và áp dụng thẻ sinh viên thì 195.000 IDR thôi nhe! Tụi mình đã từng nghĩ đến việc nhờ anh trai local mua vé giùm rồi a lê hấp lẻn vô, dưng lỡ chú soát vé bắn một câu tiếng Bahasa rồi mặt đực ra cả đám thì thôi, chịu. Mỗi người sẽ được phát 1 nước và 1 khăn quấn màu tím, coffee break trước khi đi qua máy dò kim loại đi vào di tích.
Chừng vài bước chân, những bậc thang dẫn lên Borobudur bắt đầu lộ diện, cao tít tắp. Bên trên đó, Borobudur to lớn lấp ló sau những tán cây và lấp lánh dưới ánh nắng giữa trưa. Một khối chỉnh tề, sừng sững và đen thùi được dựng nên từ đá tảng. Một đền thờ Phật Giáo không óng ánh hoàng kim và không một tượng Phật khổng lồ nào.
Ý nghĩ mông muội của mình đã lầm tưởng đây là đền thờ Hindu khi hình ảnh điêu khắc khắp tường không hề giống Phật Giáo của Việt Nam một tẹo nào.
Borobudur có tổng cộng 9 tầng, chia thành 3 phân tầng đại diện cho tam giới vũ trụ của Phật Giáo và con đường tiến dần đến cõi Niết Bàn của một Phật tử.
/ Kamadhatu (Dục Giới) gồm 2 tầng đầu, mặt phẳng vuông, bốn mặt phù điêu khắc hoạ những tội lỗi tầm thường của con người.
/ Rapudhatu (Sắc Giới) gồm 4 tầng tiếp theo, mặt phẳng vuông, phù điêu khắc Phật, cho rằng con người đã có thể dứt mình khỏi những muộn phiền toan tính.
/ Arupadhatu (Vô Sắc Giới) gồm 3 tầng cao nhất, mặt phẳng tròn, đặt nhiều chuông thờ Phật bên trong, là nơi gần với Phật và cõi Niết Bàn nhất.
Càng lên cao, người ta càng thấy cảnh trí và sự tinh xảo trong điêu khắc ít đi hẳn, nhường chỗ lại cho sự to lớn và tính tinh giản. Ví như lên đến tầng cao nhất là chiếc tháp tròn trơn nhẵn, trống không một hoạ tiết. Vạn vật hoá hư không!
**** Website** chính thức của Borobudur và Prambanan: TAMAN WISATA CANDI
2 | BROMO MOUNT
Young, wild and beautiful. Little baby active volcano of Tengger Mount
Bromo Mount là một lời hứa hẹn vô cùng dễ thương từ Indonesia, để mình tận mắt thấy một ngọn núi lửa còn hoạt động và cảm nhận nó ở khoảng cách gần hơn bao giờ hết.
- Bromo Mount, thuộc kiểu núi lửa caldera trong Tengger Mount Semeru National Park, đồng thời cũng là điểm quan sát núi lửa còn hoạt động, lâu rồi chưa phun và có vẻ an toàn lành mạnh gần Việt Nam nhất, lại nằm trong khu vực Đông Nam Á miễn giảm visa nên mọi thứ đều thuận lợi. Nhìn xa hơn xí nữa thì có ngay mùa thu Nhật Bản nhưng có yếu tố nhập cảnh, chi phí, khoảng cách đều không hề dễ chịu.
Đêm thứ hai, sau vài giờ delay trước khi hạ cánh xuống sân bay Surabaya, team nhanh chóng bị hốt lên một chiếc van xanh chuối nổi bật giữa đêm tối, gặp chú Tony đầu trọc lúc nào cũng ngoác miệng cười thân thiện, vừa lái xe vừa làm bảo mẫu trong 3 ngày sắp tới.
Van nhỏ phóng nhanh vèo vèo vượt xe lớn hơn trên đường hẹp, chẳng mấy chốc đã đến căn homestay gỗ lặng thinh ở lưng chừng núi và lạnh teo khi vừa chạm đất. Chào mừng Hưn tới thiên đường đi, khí trời sương sương yêu hết sức.
2 giờ sáng, bầu trời vẫn còn một màu đen đặc, tụi mình bò lên chiếc jeep màu sắc dạ quang rực rỡ, bắt đầu 1 tiếng rung lắc để lên kịp Bromo View Point đón bình minh. Trời tối không một bóng đèn đường, sương đọng dày cộm trước mặt, vậy mà chỉ với ánh sáng duy nhất phát xe từ đầu xe, mấy anh tài xế bẻ những đường cong điệu nghệ băng rừng leo núi, tốc độ và phong thái không hề suy giảm. Chỉ là mấy đứa vừa ngồi vừa ngủ gật sau xe (thế méo nào mà vẫn có thể ngủ được ._.) đang cong mình sợ hãi.
3 giờ rưỡi, tụi mình đến Bromo View Point, mỗi đứa một đèn pin len lỏi lên cầu thang cao vút, chen một chân giữa dòng du khách từ tứ xứ, lạnh run đợi ánh nắng đầu tiên.
4 giờ rưỡi hơn, mặt trời xuất hiện rạng rỡ, Bromo Mount cũng dần ló dạng sau màn đêm u tối. Một ngọn núi lửa hoàn chỉnh, xanh mướt của cỏ cây trải từng dải vằn vèo trên thân núi, nhỏ nhắn và tách biệt. Thật ra thì nhỏ hơn so với tưởng tượng :>
Trở lại điểm tập kết xe jeep, điều hạnh phúc đầu ngày đơn giản là 5 đứa chum đầu lại gặm nhắm một trái bắp nướng nóng hổi thơm lừng, sau khi vét hết cả 5 túi được IDR 15, giá một trái bắp nướng :))
Rời khỏi Bromo View Point, tụi mình di chuyển đến điểm gần Bromo hơn, có thể cảm nhận ngọn núi lửa này ở một khoảng cách gần hơn bao giờ hết. Là bò thẳng lên Bromo đó mà. Cảnh vật trên đường đi, qua lời nhận xét của chị đại trong team, hệt như miền viễn tây nước Mỹ, thích quá trời.
Đường lên đỉnh Bromo không hề đơn giản. Đặc biệt là khi mình đứng ở điểm xuất phát, nhìn thẳng lên đỉnh hệt như trải dài vô tận tuốt lên trời vậy đó. Gục ngã, hiu hiu, từng đứa tụi mình vừa lầm bầm vừa lê chân đi một cách hào hứng. Qua một bãi đất trống, qua một dãy đồi trọc, qua một cái cầu thang dốc đứng và qua cả đàn ngựa sung sức sẵn sàng đèo bạn đi thật xa thật xa với giá US $10 khứ hồi. Mình đã đi qua đàn ngựa một cách kiên quyết đó, mấy lúc này thấy mình mạnh mẽ hay ho lắm.
Và chạm đỉnh Bromo. Chạm lòng núi lửa sâu hoắm phả khói liên hồi cùng với thứ âm thanh cục lục ken két như đang chế tạo vũ khí. Bám vào vách gỗ sơ sài đóng quanh miệng núi, cảm xúc đầu tiên mình cảm nhận được là chân run. Lúc mà người ta thấy cái gì đó to lớn khủng khiếp quá, người ta run chân vì sợ lỡ bước chôn mình trong lòng núi và vì wow lên sung sướng trước tạo hoá thiên nhiên hùng vĩ như vậy. Mình thích cái âm thanh đó, cả khi mình viết lại cũng không thể dùng ngôn từ để diễn tả những cảm xúc rộn rạo khi ấy nữa.
- **** Âm thanh trong lòng Bromo:** https://youtu.be/BWbdA8s8IVs
Tương truyền thả những chùm bông tết cùng lời cầu nguyện vào lòng núi lửa thì điều ước sẽ thành hiện thực. Dịp lễ lộc, nhiều người còn đem thực phẩm đến thực hiện nghi lễ cúng Bromo như một hiện tượng siêu nhiên. Từ đó, nghề chui tọt xuống lòng núi lửa để hứng đồ cúng cũng âm ỉ nở rộ trong dân làng.
Chặng về, tụi mình tự thưởng cho mỗi đứa một chú ngựa, lủng thủng đi lại giữa thảo nguyên rộng lớn.
3 | IJEN LAKE
Story of world’s largest acid turquoise blue lake told by Javanese miners
Sau khi rời khỏi Bromo, tạm dừng sự trầm trồ khi đứng trước một ngọn núi lửa, cả đoàn người lăn ra ngủ mê man trên chiếc van xanh chuối, chiều muộn thì đến Ijen View Resort, Bondowoso, East Java. Chú Tony, cười tươi dặn dò,
– Xíu nữa 11g tối chú sang đón các mày đi leo Ijen, canh giờ ăn uống ngủ nghỉ đi nhe!
Trong vài giờ đồng hồ đó, tụi mình đã phê pha dưới bàn tay đầy nội lực của các cô chuyên viên massage trên đất nước vạn đảo. “Massage ở Indonesia sau khi leo núi lửa” chắc hẳn không phải là một trải nghiệm tồi, để note vào top trải nghiệm và cả để an ủi cơ thể bánh bèo này. Chuẩn bị gân cốt cho 4km trekking xuyên đêm bắt đầu từ tối nay, lên Ijen tìm gặp ánh sáng xanh (blue flame) và mặt hồ xanh turquoise huyền thoại.
/ Ánh sáng xanh (blue flame), là khi khí sulfur thoát ra khỏi quặng va vào không khí, oxi hoá thổi bùng lên ngọn lửa xanh lơ lửng giữa không trung.
/ Hồ Ijen một màu xanh turquoise, được ghi nhận là hồ acid lớn nhất thế giới. Bên cạnh mỏ lưu huỳnh vàng nhạt, khí sulfur tung toé đất trời.
/ Đoạn đường sương khói, một trong những cảnh tưởng khiến mình choáng ngợp. Một bên bình minh ửng hồng, một bên trăng thanh mờ ảo, đoạn đường ý ở giữa, kiêu hãnh, hiểm trở và xinh đẹp.
Thuộc quần thể núi lửa Ijen rộng lớn ở khu vực Banyuwangi Regency, Kawah Ijen (Ijen Lake) nằm trên phía tây của dãy núi cao nhất Gunung Merapi (Mountain of Fire in Bahasa Indonesia). Đó là một dãy composite volcano trên nền quần thể caldera. Ngoài ra, ý nghĩa của Ijen là duy nhất, độc nhất – cũng phải, nơi có hồ acid xanh ngọc lam rộng nhất và blue flames mạnh mẽ nhất thế giới.
Chuyến xe đêm nhanh chóng dừng tại trước cổng vào Kawah Ijen, đồng hồ điểm 2g sáng, tụi mình ngồi trong xe nuốt vội phần ăn sáng là trứng (chiên/luộc) và sandwich khách sạn chuẩn bị để bò ra, đón luồng khí lạnh ngắt xộc thẳng vào người. Không khí ở Ijen rơi vào khoảng độ 8 – 10 độ vào đêm, ai cũng cồm cộm áo ấm khăn quấn, đi lại béo tròn như một trái banh. Hai anh trai người Javanese là tour guide cho đoàn 9 người tụi mình, chuyền tay nhau mỗi người một mặt nạ phòng độc, một đèn pin, dặn dò “Đi theo tao, đừng để bị lạc nha các mày!” rồi lên đường.
- [Types of Volcanoes | Characteristics and Classification](http://types%20of%20volcanoes%20%7C%20characteristics%20and%20classification/) (Amit Sengupta)
Anh trai A là một Javanese, một miner ở thì quá khứ đã kể lại cho mình quá nhiều ấn tượng đẹp về người dân vùng đất này. Anh chàng đen nhẻm, gầy gò, khoẻ khoắn và nhanh nhẹn. Hệt như bao anh chàng khác ở vùng đất khó nhằn này.
Tụi mình bắt đầu cuốc trekking lúc trời đen đặc, ánh đèn pin héo hắt chẳng thấm vào đâu, hai bên cây cối lỉa chỉa, trên mặt trùm kín công cụ bảo hộ nặng nề. Cái mặt nạ phòng độc hoàn toàn chống đối lại mấy đứa đeo kính, chưa kịp thấy sợ địa hình bóng đêm vì đã phải quá bận tâm làm sao đeo mặt nạ mà kính không mờ, vẫn thấy đường để không lao xuống vực. Quay qua thấy anh trai A mắt tinh tường không che chắn đi tỉnh bơ, liền lao đến hỏi thăm,
– Cái khí surful nghe nói độc lắm, mấy anh không che chắn gì có sợ chết hông ?
– Anh mới điềm nhiên, làm gì có, hít không sao gì hết, có thể tắm và bôi bôi trét trét còn rất đẹp da nữa!
Đành tin anh, cả lũ kính cận bỏ mặt nạ xuống để lấy hơi đi tiếp.
Dọc đường mấy anh chị Tây balo đi ghê lắm, thoăn thoắt, không cần tour guide lẫn porter, đông nữa không quá ghê gớm. Nửa đường sẽ có trạm nghỉ, là một căn nhà gỗ đơn giản, bày quầy hàng tiếp nước tiếp thực và toilet lộ thiên.
Trên đường đi còn có thể đồng hành cùng vô số xe cút-kít (wheelbarrow) đèo khách một mạch lên thẳng hồ Ijen, trung bình 2 – 3 người kéo 1 xe và giá cho một chuyến khứ hồi 4km là IDR 1400 – 1500 (~ VND 700,000). Trước khi Ijen được phát hiện và phổ biến không chỉ trong giới phượt thủ chuyên nghiệp, trước cả dịch vụ hỗ trợ như kéo xe xuất hiện thì các anh phu xe đều sống bằng nghề vận chuyển lưu huỳnh từ mỏ khoáng sản cạnh lòng hồ, vượt núi giao đến điểm tập kết là chân núi. Đó đã là một nghề từ rất lâu rồi, chưa kể là cần câu cơm chính của một ngôi làng nhỏ cạnh núi Ijen. Thời thế thay đổi nhưng chung quy lại thì thanh niên ngôi làng ấy vẫn sống tựa mình vào ngọn núi lửa hay ho này. Họ chuyển lưu huỳnh từ mỏ ra ngoài, họ kéo xe đưa khách ra vào những khu vực hiểm trở, họ làm tour guide giới thiệu phần hồn của ngọn núi, họ bán những vật phẩm lưu niệm nhắc người đi xa vẫn nhớ ngày lạnh cóng mà sang sảng năm ấy. Vẫn phong thái nhanh nhẹn, anh A vừa đi vừa kể, sau khi chào hỏi mọi Javanese dọc đường và cùng một số cậu phu xe cất lên giai điệu dễ thương lấy động lực vượt lên đoạn dốc nhiều sỏi đá, “Tụi tui là đồng hương, tất cả tụi tui đều sống ở ngôi làng xa xa dưới kia kìa!”
Có cầu có cung, vận chuyển lưu huỳnh vẫn là nguồn thu ổn định, của cả thanh niên và các bác có luống tuổi một chút. Họ gánh từng tảng từng tảng lưu huỳnh màu vàng nhạt hơi hướm pastel trên hai giỏ đầy ngang vai hoặc cũng có thể một rổ cực chất trên đỉnh đầu, khoác làn áo mỏng sờn rách, chân trong đôi ủng nhựa hoặc thi thoảng là dép lào trong cái lạnh -10 độ di chuyển không ngừng nghỉ lên xuống núi. Lộ trình là leo lên núi, gặp thành hồ, leo xuống hồ, vào đục đục cào cào cái mỏ lưu huỳnh phả khói hì hục cạnh lòng hồ rồi quay về điểm xuất phát. Giang hồ kháo nhau rằng mỗi lượt đi như vậy gánh được 80 – 100kg, đến điểm tập kết thì công ty thu mua vốn đầu tư Trung Quốc sẽ trả US$ 1 cho 1 kg, vị chi là VND 1,700,000 một lượt. Khí sulfur không khiến buồng phổi họ nổ tung nhưng sức nặng ghê gớm của gánh lưu huỳnh làm khung xương họ biến dạng, đập ngay vào mắt là những bờ vai trễ xuống và nhiều cơn đau nhức không mấy dễ diễn tả.
Ở đây có một vài sự hố nhẹ.
– Is that true they were paid only US$ 1 for each kilogram of sulfur ? That’s really cheap, isn’t it ? For such a long and hard way and even health damage ? With surprise expression.
– Yup correct, replied back sad and silent face.
Hân não phẳng lúc đó bị lạnh ấm đầu tính toán nhầm, khoảng đâu đó VND 80,000/lượt mà chưa nhân số thực là 80 – 100kg mỗi lượt vào, nâng tổng giá trị lên một con số khá đáng kể và không hề cheap như trong biểu cảm lố lăng của mình. Nghĩ lại thì vẫn rẻ bèo so với sức người và sức khoẻ đó!
- Đó là trong điều kiện các miners bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng người ta vẫn khoẻ mạnh phơi phới nên đây có thể tính như một món hời. Đọc thêm: Nghề nhọc nhằn nhất Châu Á, báo Tuổi Trẻ, 2017.
Anh trai A từng là miners trong vài năm đầu đời, cũng có bờ vai rất đặc trưng khi được hỏi cảm thấy thế nào khi không làm thợ mỏ nhọc nhằn nữa, đã vui sướng kêu lên: “My change of life!” Và điều tiên quyết nhất anh đã làm: nói tiếng Anh. Ảnh và mình đều không gọi đó là học, vì nghe hàn lâm quá, mà ở cái ngôi làng bé xíu đó làm gì có cái trung tâm học thuật nào. “From other tour guides and tourists, hear and learn, and keep learning”, trả lời bằng thứ tiếng Anh không chuẩn không sành điệu nhưng rõ ràng hiểu được, mà mỗi khi ai đó trong đoàn nói thì ảnh chăm chút lắng nghe, hồ như không muốn bỏ sót câu chữ nào. Lúc đó mới thấy mình dở ẹc tới chừng nào!
Quay trở lại bóng đêm vần vũ thì tụi mình đã nhanh chóng đến được đoạn vách núi. Đường dưới chân hẹp và dốc hơn, uốn lượn quanh núi và vực ở phía bên phải ngày càng sâu hơn, có vài tiếng vọng thấy ghê lắm, rơi xuống giờ này thì mất xác chứ chẳng chơi. Mình, chị Khánh và anh Nguyên đi top đầu, bắt đầu nép mình về cánh trái, sát vào vách núi cẩn trọng bước từng bước chắc nịch, anh trai tour guide đi bên phải bên vực làm rào để chắc là không đứa nào lỡ bước sang ngang. Vừa mới xác nhận núi này không có rắn và rất ít động vật kì dị thì một con mèo rừng nhảy xổ ra cánh trái, theo quán tính giật mình nhảy sang phải, được phen hú vía mém phơi thân xuống vực. Vầng, một con mèo.
Lượn quanh quả núi tầm 10 phút nữa lên đến hồ Ijen trong truyền thuyết. Qua thêm một đoạn đường hẹp hai bên vực mới đến hồ. Đoạn đường đó không dài nhưng lẩn trong màn sương và bóng đêm, lại quẳng cho người ta cái hình ảnh trượt chân – lao vực, kèm theo tổ hợp âm thanh vang vọng bên tai: giờ trượt là toi cơm nha / kiểu gì cũng sẽ trượt thôi, đường hẹp vl, người may mắn hôm nay là mày / chẳng ai cứu nổi mày đâu, đi mạnh giỏi / không, mình sẽ bước thật nhanh qua, mình sẽ nhấp từng bước để chắc chắn đó là đường trước khi đặt hết toàn bộ sức nặng vào / mình làm được! / thôi tao mệt quá, tao đi, boai các mày! Tự nhiên thấy mình tỉnh ngủ hẳn, đấu tranh vì mà lắm thế, lúc trời có một chút ánh sáng nhìn lại thì đây là một con đường, hai bên dốc thoải, có lăn lộn vài ba vòng cũng chưa ngỏm được.
4 giờ 30 sáng. Chạm tầm mắt đến mặt hồ màu ngọc lam, ẩn hiện bên dưới lớp sương dày đặc. Anh trai tour guide dẫn đến lối đi xuống hồ, nắm thành lan can gỗ đóng sơ sài rung lắc, an yên chờ lửa xanh (blue flame) bung lên giữa lòng hồ ma mị.
- Blue flame được tạo ra từ phản ứng hoá học của khí sulfur ở nhiệt độ 600 độ C thoát ra gặp oxi trong không khí. Được mệnh danh là ngọn lửa điện, có thể cao đến 5 meters và lớn nhất được chứng kiến trên thế giới.
Mọi người đã đi không ngừng nghỉ từ chân núi để kịp đón ánh lửa xanh, mọi người cũng đã bay một đoạn đường dài từ Việt Nam sang Indonesia để tận mắt chứng kiến hiện tượng thiên nhiên thú vị này. Cuối cùng, ánh sáng xanh đã không xuất hiện, lớp sương quá dày, phủ kín lòng hồ, che khuất luôn cả ánh sáng xanh (nếu có). Đó hẳn là một niềm nuối tiếc, vì biết bao lâu nữa trong cuộc đời, tụi mình lại một lần nữa kiên trì leo lên núi lửa, tràn đầy hứng khởi đợi màu xanh ma mị đó ?
Nhiệt độ trên đỉnh núi ước chừng 8 – 10 độ vào sớm tinh mơ, việc dừng di chuyển khiến tụi mình bắt đầu lạnh cóng. Mọi người bắt đầu tản ra, ngồi phịch xuống trên đất đá, rúc mình vào chiếc áo ấm và chợp mắt đợi nắng về.
5 giờ hơn, sương mỏng dần, hồ nước axit màu lam bự chảng lấp đầy tầm nhìn. Giữa lòng hồ toả ra thanh âm lục bục cùng với hiện tượng sủi bọt, như rằng giấu trong mình con quái vật đang cựa quậy đón ánh bình minh. Bên cạnh một quặng lưu huỳnh vàng nhạt, lớn, khói bay phùn phụt và hơi sulfur chui tọt vào từng cái khí quản của người có mặt, cổ họng đắng nghét. Nhiều thợ mỏ lũ lượt kéo từng gánh lưu huỳnh khỏi quặng, bước chân thoăn thoắt điệu nghệ. Hồ và núi Ijen, và các chi tiết khác, một lần nữa xuất hiện, khác hẳn với những cảm nhận mò mẫm trong bóng đêm, rõ ràng và rất nét khi cả bầu trời ửng hồng, bung toả ánh sáng rạng rỡ.
Một phần tụi mình, trong đó có mình, bắt đầu lân la các vùng có thể đi được quanh hồ. Và háo hức bò lên vách núi cao vót xa xa đằng kia, nơi có thể nhìn ra xa hơn, hứa hẹn một vùng trời rất khác. Khác hẳn với hình ảnh thu được bằng mắt, đường đi lên đó ngọt xớt và không mảy may khó khăn khi cả lũ đã hồi sức trâu bò. Qua một cánh rừng nhỏ cây cỏ trụi lá, hoa nở đỏ rực, một vùng khác cây cháy đen thui bên tai tiếng kêu vì một loài động vật nào đó trốn đẹp trong lùm cây, đến được nơi cao nhất. Ở đó, phóng được tầm mắt đến một ngọn núi lửa khác, lớn hơn hẳn Bromo, vài ba năm trước nó vừa phun trào và để lại đống cây cỏ cháy đen nhẻm bên Ijen mình vừa đi qua.
Mình cũng gặp một nhóm bạn người Thái đang picnic trên nơi cao đó. Không khó khăn để khẳng định chắc nịch rằng, những người hiếu khách nhất đều ở Thái Lan. Các bạn ấy đạo Hồi, cài mạng che mặt và chuyện trò chia sẻ vô cùng dễ thương. Kết thúc câu chuyện cũng không quên ấn một cốc cà phê nóng hổi và gói mì Thái cay vào tay mình, nói là “You need to try it, it’s so good and thanks for being our friends!” Ờ mà cái lúc nhấp ngụm cà phê gói, pha hơi ngọt và nóng hổi trong cơn vừa lạnh vừa đói thì biết hạnh phúc đơn giản như đang giỡn vậy thôi.
Chung quy lại là mình thích đi vậy thôi, ai biết trên đó có gì, phải lên mới biết được chứ, chừng nào hết đường thì quay về (hoặc không!) Mà lên càng cao thì khí sulfur càng nhạt nhoà, có thể thoải mái hít thở trong lành và yêu đời thêm chút nữa.
Gần 9 giờ trời sáng trưng, mình và anh Nguyên, team đến sớm nhất nhưng cùng với chị Vân Anh và chị Hằng, đồng thời đội sổ team xuống núi trễ nhất. Xuống núi không cần nhiều sức lực, ước chừng khoảng 1 tiếng hơn là tiếp đất. Nhưng đường dốc và nhiều đá nhỏ hơn mình tưởng, nhiều phen trượt chân suýt dập mặt. Một tay chống gậy đi núi thừa hưởng được của chị Thuý, một tay nắm lấy anh trai tour guide mà mỗi khi đến đoạn dốc, anh sẽ chìa tay ra “Here you are”, lần lữa mãi mới về đến nơi tập kết mà không mấy sứt mẻ.
Nói chuyện thật nhiều với local ở Indonesia: checked!
– Have you ever traveled to another country ?
– Yes, Bali !
Ảnh còn huyên thuyên nhiều thứ về chuyến training công việc ở Bali, bộ phim Jumbo rất nổi tiếng và món Nasi Rawon ngon tuyệt cú mèo mà mình nhất định phải thử, bla bla. Nhưng tự nhiên mình chìm luôn vào câu trả lời tuốt từ đầu câu chuyện.
Sau tất cả, mọi người yên vị trên chiếc van xanh chuối, ngon lành ăn nốt bữa ăn sáng còn sót lại, ngắm nhìn Ijen xa dần lần cuối để tiến về phố thị Surabaya – thành phố lớn và đông dân thứ hai Indonesia. Sau một giấc ngủ sâu và đã như chưa bao giờ, vẫn vắt vẻo trên xe, mình phát hiện cơn đau chát chúa từ sâu trong cổ họng và chắc chắn rằng, Ijen sẽ còn ở bên mình ít nhất trong một tuần bệnh tật yếu đuối sau đó suy nghĩ về cảm giác bị viêm phổi ~
Thời gian sau Ijen hơi nhạt nhoà, đại loại là tụi mình được hồi sinh ở khách sạn cao tầng, sạch sẽ tên là Pop! màu xanh chuối. Nhưng mình phải chống chọi với cơn cảm lềnh bềnh bằng vô số viên C, đề kháng và kẹo ngậm nên sống hơi khó khăn một chút. Đáng tiếc bệnh tật cũng tránh bữa ăn, vừa hay tối hôm ấy thử được ba món cơm truyền thống, một món chè và một món canh hầm đuôi bò được highly recommended.
Ngày cuối cùng ở đất nước vạn đảo, đằng sau cửa kính chiếc taxi Blue Bird đi vèo vèo ra sân bay, mình đi qua một cái chợ đông ùn ụt, xe kéo xe đẩy những món hàng bình dân xô bồ náo nhiệt quy mô rộng hơn cả Việt Nam, đi qua vô số xe máy phóng nhanh vượt ẩu nhiều hơn cả ô tô và người đi đường đội loại nón bảo hiểm full đầu dày cộm rất chắc chắn, và hẳn nhiên là đi qua vô số quầy hàng đồ ăn bản địa đặc sắc mà mình đã bỏ lỡ.
Từ Surabaya bay về Kuala Lumpur, rồi về đến Sài Gòn lúc 1 giờ sáng hơn. Trong trạng thái hoàn toàn gục ngã. Và đúng như dự đoán, trong cả một tuần sau đó.
LỊCH TRÌNH TRÂU BÒ
Ngày 1: SGN > KUL > YOG > SUB. Ba chuyến bay tù tì và một công trình Phật Giáo, Borobudur. Ngủ vài tiếng ở Istana Petani, Cemoro Lawang lưng chừng Mount Bromo.
Ngày 2: Hoàng hôn ở viewpoint và miệng núi lửa Bromo sục sôi. Ngồi xe đến Banyuwangi. (Lại) ngủ vài tiếng ở Ijen View Resort.
Ngày 3: Trekking xuyên đêm núi lửa Ijen và ngắm hồ acid xanh ngọc bích. (Cuối cùng) ngủ 100% giấc ở Pop Hostel Surabaya hạnh phúc
Ngày 4: SUB > KUL > SGN. Ôm cả bầu trời rộn rạo về nhà, chuyện những ngọn núi lửa và những cuộc đời gắn liền với núi lửa.
**** Tour Bromo – Ijen by Bromo Tony Transport** và ông chú Tony lúc nào cũng cười toe làm bảo mẫu cho cả team. Giá tour cho team 9 người, IDR 1.750.000 (~ VND 3.000.000) / người. Chi tiết tour tại https://bromotonytransport.wordpress.com/
TEAM XINH ĐẸP
Team gồm 9 con người xinh đẹp và trâu bò và thú vị theo từng kiểu rất riêng. Nói là đi hành xác nhưng hành xác cùng nhau bao giờ cũng vui hơn hết :))