🌦️ phượt

Ăn một ít, đổ đèo và lạnh teooooo ở Măng Đen

Măng Đen 24 - 26.12.2022, đi cùng Vy.

Mình rất ít khi lên kế hoạch đi-đâu-làm-gì khi đến một vùng đất mới, mình muốn trải nghiệm trọn vẹn bằng một cái đầu rỗng không lấy gì làm mong đợi, dần dần dựa vào cái ngắm nhìn đầu tiên về khí hậu, cây cỏ mây trời, miếng chuyện đầu tiên với người dân bản xứ rồi dung dăng dung dẻ sải bước dạo chơi, hoặc men theo lời kể/xúi giục của họ để biết mình phải đi đâu làm gì, hoặc có khi chẳng làm gì cả. Vậy là, mình ít khi trả lời được một cách rành mạch: “Tại sao chọn Măng Đen làm điểm đến?”

Ngược lại, mình sẽ dõng dạc nói cho cả mọi người nghe: “Mình đã có những ngày lạnh teoooooo vô cùng vui vẻ ở Măng Đen và sẽ quay trở lại vì…”

Những ngày ở Măng Đen
Hàng thông trước cửa Sóc, view ăn sáng mỗi ngày của chúng mình.

Tên gốc của hắn là T’măng Deeng, chuyện này thực ra chẳng liên quan gì đến việc mình đi hay ở, chỉ là cái tên ấy có ý nghĩa là “vùng đất bằng phẳng và rộng lớn” trong tiếng dân tộc Mơ Nâm. Điều thú vị của “vùng đất bằng phẳng và rộng lớn” ấy thực ra san sát cheo leo giữa những con dốc ngọn đồi của cao nguyên Măng Đen, ở độ cao cách mực nước biển tròn trịa 1200m.

Là một “thị trấn của những ngôi biệt thự” vì quanh quẩn chỉ có mỗi một loại công trình kiến trúc có thể ở được: biệt thự. Theo lời kể của chị chủ biệt thự Sakura của Dung, tất cả đều nằm trong kế hoạch của Nhà nước nhằm quy hoạch Măng Đen thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tiếp bước thành công của Đà Lạt. 20 năm về trước, dân tứ xứ được cấp đất để định cư tại Măng Đen, được cấp phép xây dựng biệt thự rộng lớn ròng rã đến hiện tại năm 2022, cơn sốt đất diễn ra rầm rộ khắp các rừng thông, giá đất tăng vọt, trao đổi mua bán qua tay rộn rã. Dọc trục đường chính của Măng Đen, cạnh những ngôi biệt thự đã đưa vào hoạt động dịch vụ, còn nhiều ngôi đang xây dở mà Vy mình gọi là “biệt thự ma”, chẳng là chủ đất phải cố xây để giữ đất, còn khi nào xây xong hoạt động thật tình thì… tới đó tính.

Trong đó có cả nhiều người trẻ “bỏ phố về rừng” từ Đà Lạt rẽ qua Măng Đen. Như thể trước đó đã là tập hợp của người dân tứ xứ di cư đến, gần là Kon Tum Quảng Ngãi, xa là phía Bắc đổ về xây dựng Măng Đen làm nhà. Hiện tại Măng Đen được biết đến nhiều hơn, lại đón thêm làn sóng của những bạn trẻ đến thêm thắt làm nên một-cái-gì-đó. Suốt cả chuyến đi, tụi mình không gặp nhiều người, vậy mà những người tụi mình gặp đều đến đều “không phải người ở đây”. Anh trai chủ tiệm cà phê xanh yên, hai bạn tiệm Vegan Home làm đồ chay xuất sắc, chị chủ và mấy bạn nhân viên ở Sóc’ homestay…

Một chiếc biofarm trồng Ớt chuông, Cà chua, Bí đỏ, Dâu tây.

Măng Đen có thể là “Đà Lạt của Tây Nguyên” nhưng chắc chắn không phải là “Đà Lạt của 20 năm về trước”, ít nhất là qua sự phân định của anh trai chủ tiệm cà phê xanh yên. Khi mà trước đây Đà Lạt đã là khu dân cư có cơ sở hạ tầng quy hoạch đâu vào đấy, còn Măng Đen thuần tuý về dịch vụ du lịch, dân cư khắp nơi đổ về để xây dựng du lịch. Cứ như là, ở Măng Đen có điều kiện thiên nhiên khí hậu tuyệt vời nhưng thiếu một chút bản sắc văn hoá. Đà Lạt canh tác trồng trọt rau củ xanh tươi, có hạt cà Cầu Đất chất lượng trong khi Măng Đen làm nên loại cà phê xứ lạnh thu hoạch non có vị đắng trọn vành vạnh từ khoang miệng đến hậu vị. Có lẽ vì vậy khi đến tiệm xanh yên, ly cà phê muối đầu tiên mình uống được pha từ hạt cà Đà Lạt chuyển lên từ Sài Gòn. Nhưng tiệm vẫn đáng để đi, bên ngoài trải ra rừng thông um tùm, bên trong là khu vườn nhiệt đới từ những bụi cây nhỏ tí ảnh vun vén; có lẽ một năm sau trở lại, vườn cây kì lạ giữa khí lạnh vùng cao đã nở rộng tán lá rực rỡ, vẫn gặp lại ảnh cùng những câu chuyện đi đây đó, thoải mái chọn sống an yên làm điều mình thích mà không chạy theo hảo vọng vật chất.

Cho đầy câu chuyện cà phê xứ lạnh, mình theo lời xúi ngang của ảnh đến Meli Coffee và Cafe de Măng Đen để thử hạt cà của Măng Đen. Quả nhiên, thứ nước sóng sánh thơm ngất đắng đậm này không phải gout cà phê của mình, nhưng hương vị để ngửi thì tuyệt vời cú mèo, thưởng thức như ghi lại dấu ấn nhận biết một vùng đất.

Quả đất tròn còn Măng Đen thì nhỏ. Ráng chiều của đêm Noel, tụi mình vội vàng đi ăn chay ở Vegan Home nằm trong một ngôi nhà nhỏ có dịch vụ homestay trên Làng 37 hộ. Vội vàng thay vì last order đến 6-7g như thông thường thì hôm mình đến, 5g hơn các bạn phải đóng cửa đi việc khác, tụi mình hỏi chừng là đi chơi lễ mới biết là hai bạn đi hát acoustic, ở chính cái tiệm cà phê xanh yên mà tụi mình đã ngồi lì khi sáng. Hợp lý là cả ba người đều đến từ Đà Lạt. Tối nữa thì mình hẹn gặp Dung và Ánh, những người bạn Sài Gòn vô tình… chọn chung ngày để dạo chơi Măng Đen. Kiểu kì lạ là Sài Gòn không lớn, chẳng qua là quá vội vã náo nhiệt để đôi khi bắt gặp nhau ở một nơi khác, cách đó 610km và đứa nào đứa nấy cuộn áo lạnh nón len như mấy con gấu, đón Noel an lành không một miếng khói bụi nhất từ trước đến nay.

Từ trái qua phải: Dung, Hưn, Vy, Ánh – những người bạn ở Sài Gòn đón Noel ở Măng Đen.

Làng 37 hộ cách trung tâm thị trấn chừng 20 phút đổ đoạn đèo “siêu cấp ổ gà”, cao hơn một bậc so với khu thị trấn, tương truyền rằng có đúng 37 hộ gia đình sinh sống, lạnh teooooo hơn, không có mấy thông nên thông thoáng hơn, có thể ngước đầu lên ngắm nhìn mây trời mà không một thứ gì che chắn tầm nhìn. Ở vùng núi cao, chúng ta ở gần mây hơn bao giờ hết. Mây trôi vèo vèo trên đỉnh đầu, với một tốc độ chóng mặt, mà ít khi nào thấy được ở nơi thấp phẳng như Sài Gòn. Cả một vùng đất rộng thoáng đãng nên cũng là nơi ngắm hoàng hôn xinh xẻo, tụi mình cũng ở đó, phơi mặt trước gió lớn phập phồng và yên tĩnh đợi mặt trời đổ ập xuống kết ngày. Hoàng hôn Tây Nguyên trên nền đất bazan đỏ rực luôn hoành tráng động đậy hơn tất thảy. Mặt trời lặn ở Măng Đen rơi vào độ 5-5g30 chiều, sau đó thì cảnh vật nhanh chóng chìm vào bóng tối đen đặc vì không có đèn đường, trên đoạn đường đèo “siêu cấp ổ gà” từ Làng 37 hộ về Sóc’s homestay là 20 phút lần mò trong bóng tối, vừa heo hắt lạnh ngắt vì nhiệt độ xuống thấp, vừa sợ bóng tối băng băng qua những ổ gà lụp cụp xấu òm.

Hoàng hôn đổ sụp xuống trên Làng 37 hộ.

Vượt qua đoạn đèo lạnh teoooo sợ quắn quéo lên thì về với lò than ửng hồng ấm cúng của Sóc, một chiếc homestay nằm biệt lập trong trùng trùng rừng thông, vậy nên, về đêm Sóc cũng tối đặc nốt. Cái tối đặc kèm nhiệt độ hạ thấp của khoảng 6, 7g khiến Sóc quây quần đông đủ cư dân, chẳng ai còn mong muốn ra đường ngoài việc quay về “nhà”, hươ tay bên đống lửa đôi lúc được đốt lên bằng mấy khúc gỗ thông thơm mà cháy bền, nhặt vài củ khoai khen khét nốc miếng rượu chuối nóng dằn xuống một cái bụng lạnh lẽo. Mình thấy Sóc có bán rượu cần chưng trong những cái choé (cách gọi cho cái bình đất nhỏ chứa rượu), đặc sản của đại ngàn Tây Nguyên nhưng miếng chị chủ tiệm mời, rồi nhóm anh chị “hàng xóm” mời lại tụi mình là rượu chuối hột cô đơn… ôm ấp nỗi buồn sống một mình một đời. Đọc thấy rượu chuối hột điều chữa được nhiều loại bệnh, từ đau nhức xương khớp đến sỏi thận, táo bón, cảm sốt… vậy mà đêm hôm đó, với sự ham mê cay nồng uống vùn vụt, mình đã trải qua đêm đầu tiên ở Măng Đen lạnh teo héooooo ở trong cái toilet bằng đá và cái bụng rỗng tuếch trả hết về cho đất mẹ. Lạc quan hơn thì có thể suy diễn là, sự cô đơn từ chối mình rồi yayyyyyyy!!

Trăng non còn vương vệt hoàng hôn đỏ cháy trước cửa Sóc.

Ở cái tiết trời 11° – 14° lạnh quéooo thì chúng mình làm gì? Vui vẻ chồng chừng 2 lớp áo, 2 lớp quần rồi khoác cái áo phao bên ngoài tròn ủm như trái banh căng phồng lăn lăn trên đất đỏ. Tự cảm thấy cần hạn chế tiếp xúc với nước: hãy thử nghĩ đến việc không tắm, không gội đầu, không rửa mặt… vì thật ra có vòi nước nóng, nhưng khi nước chảy ra chạm vào da đầu chỉ còn cái đầu lạnh buốt réttttt. Nhanh trí dùng cái máy sấy tóc trong phòng để sấy… mền gối, tay chân, quần áo đã nhiễm lạnh từ lâu, thay vì lăn đùng lên giường sau một ngày đi chơi mất mùa thì việc đầu tiên phải làm sau khi trở về phòng là sấy lấy sấy để. Cuối cùng, cái lạnh khiến thời gian trôi chậm lại, như cái cách mình cảm thấy mọi thứ bị đóng băng bắt nguồn từ việc bộ não của mình xử lý thông tin chậm hẳn, thế là chúng mình vui vẻ lóng ngóng đi qua những ngày lạnh này.

Hoạt động yêu thích trong ngày của mình là: ngủ nướng đã đời, bò dậy xuống bếp rửa cà chua ớt chuông tươi rói mua được từ chợ kèm với phần ăn sáng được chuẩn bị sẵn ở Sóc, pha một miếng cà phê Măng Đen hay trà olong sữa tuỳ hỷ, vừa ăn uống vừa tĩnh lặng ngắm rừng thông. Rừng thông trước cửa Sóc đã cao vút lên tận trời, thoạt nhìn không có gì đặc sắc ngoài cả hàng cây rung rinh trong gió, hẳn là một ngọn gió đủ to, trên bầu trời mây to bự. Một buổi sáng an yên, miễn là đừng bật noti điện thoại lên vì thức ăn sẽ nguội luôn trong tích tắc.

Con đường đất cạnh vườn hồng đi về Sóc.

Về cái ăn những ngày này, mình chưa thử ngồi sụt sùi Lẩu Xuyên Tiêu hay nóng hổi Cơm Lam Gà Nướng, những món phải-thử của dân du lịch từ xa tới. Tự dưng mình lại chẳng muốn ăn nhiều, ngây ngấy cái vị thịt thà hay bữa ăn no căng quá quen thuộc ở Sài Gòn, cái dư thừa vật chất ở dưới đấy chẳng khiến chúng mình phải đói bao giờ. Vậy thì dịp này đã bò lên tận Măng Đen, mình sẽ eating detox một chút, vừa hay đi chung với Vy ăn chay trường. Chúng mình sẽ cảm nhận hương vị đẹp đẽ của “đói” bằng cách ăn ít lại, sau đó đến lượt hương vị mơn mởn tươi rói của những trái cà chua bi, ớt chuông đủ màu rửa sạch rồi ăn sống ngon lành, hương vị đơn điệu của bánh mì, trứng ốp la, xì dầu và ớt mỗi buổi sáng và hương vị đủ đầy từ thực vật với phần “bundle bowl” ở Vegan Home (Làng 37 hộ) đủ mùi đủ vị đủ dưỡng chất từ curry khoai lang đậu gà, cơm chiên nấm rau củ cùng salad táo rau xanh. Chà, mới mẻ và đáng thử.

Phần ăn thuần chay rau củ bảy sắc cầu vồng ở Vegan Home (Làng 37 hộ)

Chúng mình ở 3 ngày, hai ngày đầu lạnh quéoooo vài nụ đào nở le lói cầm chừng trên cành khô trước cửa Sóc, ngày cuối cùng nhiệt độ ấm lên độ 14° bắt đầu có nắng len lỏi khắp núi rừng, hoa anh đào nở rộ đủ cánh, đủ sắc và ánh hồng rực rỡ giữa đại ngàn. Chuyến đi dự định ngắm hoa đã không uổng công, nhưng còn hứng khởi hơn khi được ngắm nhìn sự chuyển mình của cây cỏ tự nhiên, vượt qua đông rét, anh đào sẽ nở cùng mùa xuân.

Những nụ anh đào chớm nở ở Sóc.

Ngày thứ hai ở Măng Đen, chúng mình lái xe xuống Kon Tum cách 52km, trong đó có 12km đường đèo vui vẻ dễ đi nhưng đẹp mắt. Kon Tum có khí trời lành lạnh mùa cuối năm nhưng ấm áp hơn Măng Đen rất nhiều lần. Đến Kon Tum, chúng mình ghé Nhà thờ gỗ Toà giám mục thành phố, Cầu treo Konklor dẫn vào làng dân tộc Konklor mà hồi nhiều năm trước mình cứ gọi nhầm thành Cầu Đắk Bla trong khi Đắk Bla là tên con sông dài 157km miên man chảy trọn Kon Tum và Gia Lai. Và ăn gỏi lá có nguyên rổ hơn trăm loại rau rừng, thính, tiêu đen nguyên hạt chấm với sốt mẻ ngầy ngậy. Nhờ đi chung với Dung, mình lần đầu được biết mẻ là gì.

Kết thúc chuyến đi, chúng mình đi về còn Măng Đen ở lại với những công trình và ấp ủ khai thác du lịch. Với đà viral này, chỉ một hai năm sau quay lại hẳn không dễ gì nhận ra Măng Đen lạnh quéoooo và heo hút yên tĩnh của 2022.

Con cún ở Vegan Home (Làng 37 hộ) ngúng nguẩy đến đón hoàng hôn cùng.