on the slide, 🍓 sống

Năm 2024

“May quá, sống qua 2024 rồi!”

Mình chỉ thực sự viết được những dòng review về năm 2024 khi bác Nguyên lướt nhanh qua chỉ số các xét nghiệm định kì rồi bảo rằng: “Ổn định nha, 6 tháng sau quay lại tái khám!”. Khi mình đã dùng thử 2025 được vài ngày.


Một năm “đa-zi-năng”

Vừa đi làm Marketing, vừa đi học thêm VB2 Tâm lý học, vừa yêu đương nghiêm túc.

Có bạn hỏi, chị bắt đầu học VB2 khi còn đang làm việc full-time, chị sắp xếp được thời gian mà không mệt mỏi hay quá! Ừ nhỉ, mình đã rất trâu bò để làm được việc đó luôn í *ghi nhận mình một cái* Dưng được nửa năm thì chị nghỉ việc, chị va vấp lụp bụp và thấy mình rơi tự do — rất lâu rất lâu.

Một buổi thuyết trình Tâm lý học Giới tính, USSH.

Một công việc “xa xỉ”

Một ngày mở mắt thức dậy, thấy mình đang làm công việc không hề thích thú thêm nữa, đọc những con số trên màn hình nhấp nháy và chạy doanh số bum ba là bum. Hay thậm chí ngồi xuống nghiên cứu một sản phẩm, chăm chút ý tưởng, câu chữ cho một chiếc content plan. Mình rời khỏi VinFruits, Puberty, YV LE & CO (3 brands mình đã rất nâng niu từ 2022), lướt qua 2 agency, 2 dự án freelance và 1 đêm nhạc thính phòng Music therapy và “đùng”, sự kiện đó xảy ra, mọi thứ dừng lại hết và mình thấy “Đủ rồi!”.

Mình chẳng đi làm gần nửa năm nay, từ những ngày đầu chới với đến khi dần cảm thấy hào hứng với trạng thái “vô dụng” hiện tại. Lắm lúc hoang mang thì mình sẽ bò lên các trang tuyển dụng apply jobs, khi HR set up interview thì mình lịch sự từ chối, mình biết mình toàn apply những công việc cũ thôi, mà mình chẳng thấy mình sẽ quay trở lại môi trường công sở, cặm cụi làm những cái task vui thú như ngày đầu, không một tí nào.

Rất nhiều lần mình tự hỏi, có thể mình sẽ không bao giờ quay lại công việc này được nữa.

Một chuyên ngành học mới

“Học Tâm lý trước hết sẽ hiểu được mình”. Mình học bằng cả lịch sử dài sọc những tổn thương, sang chấn và lịch sử gia đình nuôi dưỡng nên một đứa trẻ đầy u tối, vừa học vừa khai phá mà thuật ngữ hay dùng là “tái sang chấn”, rất đau thương.

Hoá ra mình đã chẳng có nổi một gia đình kết nối đúng nghĩa (dù có đầy đủ Bố Mẹ). Hoá ra Bố Mẹ, mình và cả đứa em gái chỉ là “khách trọ” trong chính ngôi nhà. Quá trình diễn ra đầy đau khổ:

Giận dữ. Mình giận cả thế giới, giận bản thân nhiều nhất, vì rằng chẳng có nổi một gia đình hoàn chỉnh. Thế quái nào Ba mình chưa bao giờ thực hiện vai trò của người Chồng và Ba (chỉ dẫn, hỗ trợ con cái, đỡ đần Má kinh tế và xây dựng), Má mình chưa bao giờ thực hiện vai trò của người Vợ và Mẹ (là một đối tác thực thụ với Ba trong việc xây dựng nên bản sắc gia đình nhỏ, chăm chút căn bếp và cùng con gái nấu ăn, thêu thùa,… những việc rất con gái), thế quái nào cả nhà mình 4 người luôn “sống” ở bên ngoài ngôi nhà, thay vì cùng nhau xây dựng gia đình, xem nhà là một nơi để về.

Cả Ba Má đều không dành thời gian cho chị em mình như thể là người dưng, chưa từng có cuộc trò chuyện thân tình và chưa từng được yêu thương. Thực ra, chẳng ai trong chúng tôi muốn về nhà cả.

Bất lực. Hình mẫu về gia đình “bình thường” ám ảnh lấy mình suốt quãng thời gian thật dài. Cái gì thiếu thì mình ra sức tìm kiếm. Mình đòi hỏi ở Má một chuẩn mực người Mẹ. Mình muốn Má phải công dung ngôn hạnh, lắng nghe mình… và bỏ qua thời gian Má vẫn phải đi làm để gánh vác kinh tế, những đêm về trễ mềm vì phải ở lại kiểm hàng, những sáng tinh mơ đã ở bến xe buýt đến xưởng.

Mình đòi hỏi ở Ba một chuẩn mực người Ba. Mình muốn được Ba dẫn dắt, dạy bảo trên con đường trưởng thành, làm người, ủng hộ mình theo đuổi lý tưởng cuộc sống; nếu Ba tốt hơn, thay vì nổi giận vô cớ, doạ nạt, miệt thị mình lúc nhỏ và bây giờ sống bê tha, đổ hết cho thời thế tệ bạc, thì có lẽ mình đã không tự ti đến vậy, cũng không đánh mất chính mình như vậy nhỉ. Mình đòi hỏi ở Ba Má một sự thương nhau nghĩa tình của vợ chồng, vì thương nhau mà thương các con chứ không phải xa cách như những khách trọ chỉ trở về nhà vào buổi tối.

Mình muốn trở về một ngôi nhà ấm cúng chứ không phải những gian phòng đóng cửa tách biệt, mình muốn nhìn thấy nụ cười hạnh phúc chứ không phải cái chau mày xoăn tít, lời qua tiếng lại kể xấu, hoạch hoẹ nhau. Mình đơn giản chỉ muốn được yêu thương bình yên trong một gia đình (nhưng dường như bất khả!)

Đập phá. Trong những ngày cuối cùng đi tìm câu trả lời cho sự rỗng tuếch bên trong, mình đã chịu không nổi nữa mà phát điên. Hệt như tiếng chửi đông đổng chẳng ai đếm xỉa của Chí Phèo, hai trận đập phá của mình diễn ra trong sự câm lặng bất lực. Mình đập nát tất cả những đồ dễ vỡ mình có thể vớ được trong bếp, loảng xoảng vỡ tan vào cửa, thành tường, cạnh góc cầu thang.

Vỡ choang! Nếu lúc nhỏ mình làm vậy, có lẽ mình đã bị đập cho một trận tơi bời, chửi rủa thậm tệ. Nhưng lạ lùng là thực tại ném cho mình sự im bặt, những cánh cửa phòng đóng kín, người trong phòng thừa sức nghe được tiếng đồ vật vỡ toang, vậy mà vờ như không biết. Cả người mình nóng lên, mình ngồi thụp xuống khóc nức nở không thành tiếng. Bẵng đi một lúc lâu, bình tĩnh lại, mình mệt mỏi dọn dẹp, quét đi từng mảnh vỡ.

Và thở một cái dàiiii: “À, hoá ra đến tận cùng cũng chỉ có như vậy!”

Chấp nhận. Rất nhiều cái àaa lên!

À, thì ra đây là Ba mình, là người biết mình bệnh không hít được khói thuốc sẽ thản nhiên hút thuốc trước mặt mình, là người biết mình thất nghiệp sẽ bắt chị em mình trả nợ, là người sẽ lấy bệnh tình của mình ra để khóc lóc than khổ trên Facebook, lấy lòng thương của người khác, là người nói rất hay lời nhăng cuội nhưng thực tâm chẳng thể thương lấy mình một miếng nào.

À, thì ra đây là Cô mình, người hi sinh tất cả để nuôi nấng mình cũng là người tách mình ra khỏi Má khi mình vừa đầy tháng vài hôm, thương mình đến nỗi chỉ cần mình làm trái ý một chút, mình sẽ lập tức trở thành “con điên phản bội”, đính kèm silent treatment bỏ rơi mình, khiến mình tội lỗi quá nhiều cho một nhu cầu chính đáng.

À, thì ra chẳng có một gia đình nào ở đây cả, tất cả những người lấp ló trong từng ô cửa phòng, chỉ là những khách trọ không hơn không kém. Mà Khách trọ thì không cần lên tiếng, nghĩa vụ kết nối và yêu thương lấy nhau.

À, thực ra bên trong những người lớn to đùng kia cũng là hằng hà sa số tổn thương, sang chấn liên thế hệ mà họ cũng chẳng nhận diện được. Cũng chỉ là những người lớn đau khổ, chẳng thể cho mình thứ vượt quá những gì họ có. Đã là tất cả rồi.

Nhẹ đi một nhịp. Kì lạ nhỉ, “tình cảm gia đình”. Điều mình dành cả 15 năm để chạy trốn khỏi nó, vờ như không cần đến thì sự thiếu thốn đó quay trở lại vào năm mình 30, giằng xéo mình đương lúc cơ thể mình kiệt quệ nhất. Có lẽ khi yếu ớt nhất, con người ta mới cần tình thương bầy đàn hơn hết.

Sự nhẹ nhõm, lề mề bò đến khi mình dừng tìm kiếm.

Đâu thể nhét vào tay người khác cái trách nhiệm khiến mình hạnh phúc hơn được nữa.

Thời gian này, mình đang học môn Tham vấn tâm lý, và mình thực sự đã đi Tham vấn tâm lý trên vấn đề khó nhằn của mình. Nhờ đến sự hỗ trợ tinh thần từ chị chuyên viên tâm lý ở văn phòng tâm lý trường USSH. Mình mở ra chủ đề “Tôi là ai sau sự kiện đó?” và từ tốn kết lại tiến trình bằng quyết định cứng rắn, chọn cách tiếp tục thử – sai trên những trải nghiệm, chịu trách nhiệm cho sự tự do – tự lo của bản thân.

Yêu một người

Một mối quan hệ tình cẻm bắt đầu từ những ngày hết sức vui vẻ của 2023 trở thành những bài học sâu sắc của 2024 và rất nhiều quyết tâm chấm hết trước thềm 2025. Me become a crying baby in my 30 *wow* Trong Bucket List (100 things before I die) của mình có một điều: Yêu một người sâu sắc hết lòng mà không hề hối tiếc — ✅ ✅. Mình luôn là đứa trẻ khó bộc lộ cảm xúc, cơ chế dồn nén luôn được sử dụng ở mức thượng thừa, vậy mà mình đã thể hiện tất tần tật ra trong mối quan hệ này. Thích thú, yêu thương, cảm động, mong đợi, ấm áp, ngại ngùng, mắc cỡ, hụt hẫng, buồn bã, tức giận, thất vọng, đau đáu, trằn trọc, nghi ngờ, đau đớn, mất mát, gục ngã… sao mà phong phú mọi sắc thái!

Chuyện hề hước là mỗi lần mình mon men gắn kết với ai-đó thì lũ childhood trauma sẽ trồi dậy, thỏ thẻ bên tai: “Ê tỉnh chưa bé, em đâu có xứng đáng được yêu?”. Mỗi lần như vậy giúp mình nhận diện tụi nó tốt hơn. Mình không biết viết gì thêm cho một chuyện đã kết thúc, có lẽ là mình từng rất thương rất thương một người, muốn ở bên cạnh và dành mọi điều tốt nhất cho họ — vậy nên mình cũng rất đáng yêu!

Trải nghiệm siêu thực của cặp đôi avoidant attachment (né tránh) và disorganized attachment (lo âu-né tránh) theo thuyết gắn bó của John Bowlby. Mình sẽ dùng chiếc tóp tóp này để mô phỏng lại toàn bộ quá trình.

Bạn ấy đã trải qua những gì để trở nên cực đoan như vậy, để tình yêu thương đơn thuần trở thành thứ lớn lao xa xỉ đến mặc cảm không thể gánh vác hơn nữa? Bản thân mình đã trải qua những gì để trở nên tất tay như vậy, thấy thương thấy tội ra vẻ bù đắp hay sấn tới tạo thế lệ thuộc, đòi lấy những gì mình cũng đang thật thiếu thốn?

Thật đáng buồn, trước đây mình luôn vô tư lự đi khắp nơi chơi bời một mình, sợ vướng bận phiền phức, đến khi không muốn làm mọi thứ một mình nữa thì gặp đúng người hệt như bản thân độ 4-5 năm về trước. Lại thấy thương nhau, mấy cái người mãi lân la đi tìm mình.

Những ngày cuối năm, mình lọ mọ quay trở lại cuộc sống một mình, trước khi có ai đó đến, chúng ta vẫn luôn một mình và tự mò mẫm tìm niềm vui đấy thôi. Vậy là, mình lại vui vẻ ở nhà, cạnh cuốn sách, bức vẽ, em bé Fujichan cùng con chữ kể chuyện, thỉnh thoảng vẫn nhớ người ta rất nhiều, kể cả khi là một khách trọ cáu bẳn.


Bệnh và cơ thể tự chữa lành

“Ung thư là lần cuối cùng cơ thể ra sức cầu cứu.”

Trong một lần đi chụp PET-MRI.
  • Đùng một phát, tôi bị bệnh (sự kiện đó). Chi tiết: Mấy ngày trước tuổi 30.
  • Đi sâu một chút vào các nghiên cứu, tôi hình thành một niềm tin giản đơn: Cơ thể có thể tự chữa lành. Cộng thêm bệnh tình tôi không được khuyến cáo sử dụng nhiều thuốc (hại thận) và niềm tin Tây Y trị triệu chứng, kể cả hoá-xạ trị vừa tiêu huỷ tế bào ung thư vừa giết chết tế bào bình thường khiến hệ miễn dịch thêm suy yếu, đụng đâu cứ cắt gọt cơ thể người thì tôi rất sợ, đau một lần chứ đau nhiều tôi chịu hỏng nổi.
  • Thế nên, tôi học cách sống buông xả (chứ hông buông thả). Ăn uống tươi sống, đủ chất, từ bỏ gia vị phẩm màu đồ đông lạnh chiên rán dầu mỡ. Ở cạnh người tôi thấy an toàn, tôn trọng nâng đỡ yêu thương tôi, không ép uổng tôi phải là người này người kia. Làm việc tôi thấy thích, việc nào tôi khó thì tôi làm từ từ, hoặc tôi sẽ trở nên “vô dụng”. Dành thật nhiều thời gian cho bản thân cảm nhận, nói “không” thường xuyên hơn. Ngủ đủ giấc, ngủ ngoooon. Đi tái khám định kì, cũng sợ hãi như ngoài kia người ta bóc túi mù, nhưng vài lần bác sĩ cho về vì chỉ số ổn định rồi, tôi lại nhởn nhơ sống tiếp đến cái hẹn tiếp theo. Cách vài tháng tôi sẽ “sủi” mất tăm hơi 1-2 ngày đi khám một mình, làm một loạt những xét nghiệm rồi trở lại cuộc sống thường nhật, cảm thấy mình ngầu thật =)))))
  • Một phiên bản mới: Hưn 48kg (giảm 10kg so với đầu năm), tiện thể tôi sẽ biến hình gout ăn mặc và nuôi dưỡng tính nữ từ trong ra ngoài, chuyện trước giờ tôi chưa từng nghĩ sẽ làm muahahahaha, sao tôi cứ phải “gồng” lên trong đời này cơ chứ.

Học về thế giới. Học về cách sống.

“Chỉ cần dành đủ thời gian cho một vấn đề, mình đều có thể giải quyết nó.” — Tiến sĩ Tâm lý M.Scott Peck, Con đường chẳng mấy ai đi.

Chẳng hiểu sao mình có thể sống tốt những năm qua mà không phải học những điều cơ bản trong đời sống, chỉ có thể là những người xung quanh “gồng gánh” mình quá tốt. Để rồi trong một phiên tham vấn giữa tiến trình, chị chuyên viên thốt lên: “Em như một đứa trẻ một lần nữa bước vào đời, chập chững học lấy từng thứ một”.

“Từng thứ một” ấy của mình kể ra đều nhỏ nhặt, nhưng mình lại thấy vô cùng quý giá:

  • Học cách nấu cơm “lười” trong một nồi cơm điện, cắt gọt rau củ và set up meal plan
  • Học cách kiên nhẫn tìm đường dù rất lười, rất dễ bị rối khi lạc đường
  • Học cách bình tĩnh ở lại căn trọ ngập nước khi trời mưa và dọn dẹp nó
  • Học cách đi tái khám một mình, sắp xếp flow xét nghiệm trước sau, “cheat day” tạo động lực đón nhận kết quả và học cách plan ngắn hạn 2-3 tháng/lần
  • Học cách dọn bếp, lắp bóng đèn ở nhà, ghé tiệm điện-nước để sửa sang
  • Học cách lên lịch giặt đồ, phơi đồ và sắp xếp quần áo cố định trong tuần
  • Học cách dọn phòng thường xuyên, xếp mền gối sau khi ngủ dậy, dọn phòng như “dọn lòng”
  • Học lại cách skincare, chăm sóc bản thân và book gói dịch vụ waxing lần đầu ✌🏻
  • Học lại cách thuyết trình, nói trước đám đông và bộc lộ cảm xúc (khóooooo quá!)
  • Học lại cách đọc sách, “đọc để quên đi” và take note điều còn sót lại
  • Học cách tìm sách, mượn sách ở thư viện tổng hợp thành phố
  • Học cách nói “không” và “tôi hết sức, mọi người support tôi nhé”
  • Học cách viết morning pages, ghi lại chuỗi giấc mơ từ vô thức trồi lên
  • Học cách theo dõi giấc ngủ (REM, deep, light) bằng cách đeo Garmin lúc ngủ
  • Học cách quan sát bản thân, khi dễ chịu khi cứng người, vì vậy nên phải chậm lại
  • Học cách xem thông điệp mỗi ngày qua lá bài Tarot (cơ chế phóng chiếu, diễn giải của chị Vân)
  • Học cách phục vụ bàn, viết order và take care khách (lần đầu tiên của Hưn!)
  • Học cách im lặng trong khi không muốn nói gì thêm
  • Học cách để người nhà tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời và cảm xúc buồn-vui của họ thay vì trông chờ mình; học cách ngừng giúp đỡ Ba mỗi khi ổng bê tha

Mỗi một việc qua đi, là mỗi một lần mình thấy mình kiên nhẫn với bản thân thêm một chút.

Học cách “dừng” trekking vì thoái hoá khớp nữa nè.

Một năm đọc 30+ cuốn sách, nền tảng để chiêm nghiệm, trải nghiệm thực tế.

Ngoảnh lại cảm nhận, chưa bao giờ mình học được nhiều như năm nay.

  • Sách tâm lý, giáo trình và đọc thêm
  • Sách bệnh lý và dinh dưỡng
  • Văn học cổ điển nuôi dưỡng tâm hồn
  • Phim ảnh, xem dưới góc nhìn tâm lý nhân vật thật khác
  • Những cuộc trò chuyện sâu với bạn bè, người quen
  • Mối quan hệ với người nhà, người thương và bản thân

Chiếu theo thần số học, hẳn 2024 là năm bài học của mình (và nhân loại haha). Chiếu theo lời mình với Hà Ngô kháo nhau: “Tụi mình đang đi bằng one-way ticket, biết thêm được một xíu đã khó trở lại ngây ngô khù khờ như lúc vừa bắt đầu.”

Chợt nhận ra, sách hay cần đọc toàn là sách mượn được…

Cái khó của việc học thực ra là: Learn → Un-learn → Re-learn. Biết khi nào hệ thống kiến thức của mình outdated rồi, cần dở ra, làm phẳng nếp nhăn não, rồi lại trong sáng nạp vào những điều mới phù hợp hơn; làm sao biết ấy nhỉ, nếu không phải đời vả cho những vố đau.

Vậy ra, “học để quên đi” dựa trên niềm tin vô thức sẽ thu nạp tất cả, bộ não thần kì sẽ biết cách gợi nhắc và trích xuất kiến thức cần thiết, để sinh tồn. Chẳng sao cả nếu càng học càng quên.


Chân thật.

Với bản thân. Cảm xúc của mình đáng trân trọng và là sự gợi ý đáng để tâm.

Bài học về cảm xúc.

Bài học đầu tiên bất ngờ đến từ một lần mình nghẹn ngào xúc động muốn bùng nổ tới nơi ở chỗ làm sau khi nói lời chia tay, Đạt nhắn mình: “Nghỉ làm nửa buổi đi, xả cảm xúc ra đã!”. Chừng 30 phút sau, mình xuất hiện ở quán cafe Đạt đang ngồi, uất ức khóc điên khóc khùng, khóc hết nước mắt, thỉnh thoảng nó tiếp nước cho mình, chị Thoa ở đầu bên kia tin nhắn đọc tin loạn xạ của mình. Vì sao ấy nhỉ, lần đầu tiên có những người lạ lùng không bảo rằng khóc lóc là yếu đuối, bi luỵ là thất bại, không bảo mình phải dồn nén mọi thứ xuống, gạt phăng đi mà mạnh mẽ chứ. Những người lạ lùng này kiên nhẫn ở bên mình khi đó. Và lần đầu tiên sau ngần ấy năm, mình để mọi người tìm thấy mình đang khóc, vì lòng mình đau quá rồi.

Tính ra 2024 là năm mình khóc nhiều nhất trong cả 30 năm cuộc đời cộng lại =)))))

Ê, tôi luôn là đứa nhỏ nhạy cảm, dễ xúc động, cười toát mồm và khóc nức nở được ngay.

Lúc nhỏ, mỗi khi oan ức là mình khóc, bị đánh mắng là mình khóc, người nhà nhanh nhảu ém mình lại, đừng khóc nữa, im lặng đi ngủ đi là Ba hết giận à.

Lớn lên, đi làm không như ý, công sức đổ bể, sếp-khách hàng hách dịch, mình cũng khóc huhu… vì phải chia tay đội nhóm.

Khi bị hiểu lầm nói lời tổn thương, quan hệ bạn bè và tình cảm sứt mẻ, cách duy nhất mình biết là tỏ ra tôi không cần, gạt đi để quay lại tiếp tục công việc.

Những lúc ấy mình toàn trốn đi khóc huhu một góc không ai thấy được, rồi lại bước ra ngoài với chiếc mặt nạ ê hề với nụ cười toát mồm. Nỗi buồn, uất ức chồng chất vậy chứ chẳng nói được với ai, chẳng tìm được nơi nào để buông xả chúng ra.

Cái tính nam độc hại này đã thành tinh trong mình mất rồi. Nên khi mình nói về học cách nuôi dưỡng tính nữ, thật ra bước một: thoải mái với cảm xúc của mình, mặc kệ luân lý đời thường đi, thả mình để nó dẫn dắt một lúc nào.

Và mình cũng cần được ở bên những người bạn thoải mái, sẵn sàng chấp nhận cảm xúc của mình mà chẳng hề khó khăn với chúng. Như cách Quốc ở bên ôm lấy mình thật chặt khi mình khóc bù lu bù loa chia tay cuối năm cấp 3. Như cách anh sếp tinh ý thấy mặt mình biến sắc và lập tức hỏi thăm, nghe mình giãi bày. Như cách chị Thoa luôn nghe mình kể chuyện buồn hiu, giúp mình gọi tên cảm xúc. Như cách con em Béo lóng ngóng quẳng khăn giấy cho mình lau nước mắt, ngồi đó đợi mình khóc hết rồi chở mình về. Như cách Khang hốt mình đi hóng gió, chọc cho mình vừa khóc vừa cười khi mình đang lang thang ở một góc đường tối thui nào đó. Như cách Cupo ở bên khi mình bất ổn, nghe mình muốn nói gì thì nói, không phán xét thêm. Những người bạn quý giá này chẳng bao giờ nói rằng mình cần phải ngừng khóc cả.

Khóc đã, rồi thế nào ấy nhỉ?

À, thì mình sẽ mệt =)))))

À, thì mình biết được là buồn bã, đau lòng, khóc lóc không làm mình yếu đuối đi miếng nào, cũng chẳng ai nhân cơ hội đó để đánh giá, bêu xấu, chê cười, ăn hiếp gì mình thêm cả.

À, thì mình biết là cảm xúc giúp mình hiểu thêm về mình, về những nút thắt và trauma trong quá khứ, biết rằng đeo mặt nạ rất nặng, rất mệt, hông ấy gỡ xuống mà sống thử xem.

À, thì ra ngày mai lại đến, mình vẫn sẽ bò dậy mà sống tiếp, chẳng sao cả.

Stop trong tiếng Lào.

Từ chối mối quan hệ toxic.

Kể cả với người nhà, là chuyện khó khăn nhất trên đời.


Cảm ơn mình chăm chỉ của vài năm trước.

  • Còn tiền để sống và trải nghiệm nè, khi không đi làm.
  • Những chuyến retreat thực thụ, chọn cách đi phù hợp.
    • Nấu ăn ở Đà Lạt
    • Đi chậm ở Lào

Cuối cùng, là những con người luôn ở bên mình.


Hmmm…

Đâu đó cuối tháng 8, đầu tháng 9, mình dần đi lại bình thường và trở lại trường học HK3 với một trạng thái tâm trí không hề ổn tí nào, lạc trôi đến nỗi chẳng tập trung làm được điều gì. Mình nhớ mình viết “lesson to learn” vào cuốn note trước khi bắt đầu môn Tham vấn tâm lý. Bằng tất cả những gì mình đọc và học được để yêu thương và hạnh phúc.

Khi ấy, mình muốn chấp nhận, tha thứ và dung chứa người khác biết bao, vì mình biết sự dễ chịu sẽ khiến họ muốn ở cạnh và yêu thương mình trở lại. Bẵng đi mấy tháng, mình nhận ra mình chẳng muốn làm điều đó một chút nào. Điều khiến người khác dễ chịu lại không khiến mình dễ chịu, mình không hạnh phúc.

Mối quan hệ quan trọng nhất trên đời này là mối quan hệ với bản thân mình ❤️‍🩹

Điều cần ghi nhớ sâu sắc cho 2025.